Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Đề thi học kì 2 Văn 8 trường THCS Trần Quốc Tuấn

9670c712899f190c76df3d7f91636dce
Gửi bởi: Nguyễn Minh Lệ 16 tháng 2 2022 lúc 22:19:48 | Được cập nhật: 7 giờ trước (14:30:59) | IP: 14.250.63.225 Kiểu file: DOCX | Lượt xem: 483 | Lượt Download: 5 | File size: 0.019724 Mb

Nội dung tài liệu

Tải xuống
Link tài liệu:
Tải xuống

Các tài liệu liên quan


Có thể bạn quan tâm


Thông tin tài liệu

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 2

TRƯỜNG THCS TRẦN QUỐC TUẤN

MÔN NGỮ VĂN 8

Câu 1 (3 điểm):

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

Huống chi ta cùng các ngươi sinh phải thời loạn lạc, lớn gặp buổi gian nan. Ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thỏa lòng tham không cùng, giả hiệu Vân Nam Vương mà thu bạc vàng, để vét của kho có hạn. Thật khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho khỏi để tai vạ về sau!

Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng.

a. Đoạn văn trên được trích từ văn bản nào? Tác giả là ai?

b. Phương thức biểu đạt chính nào được sử dụng trong đoạn văn trên?

c. Xét về mục đích nói, câu Thật khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho khỏi để tai vạ về sau! thuộc kiểu câu gì?

d. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù.

Câu 2 (7 điểm):

Có ý kiến cho rằng:

Bài thơ “Ngắm trăng” của Hồ Chí Minh đã thể hiện tình yêu thiên nhiên tha thiết, phong thái ung dung, lạc quan và khát vọng tự do cháy bỏng của người tù cách mạng.

Từ bài thơ Ngắm trăng, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

ĐÁP ÁN KIỂM TRA HỌC KÌ II

MÔN NGỮ VĂN 8

Câu 1:

a. Đoạn văn trên được trích từ văn bản “Hịch tướng sĩ”. Tác giả là Trần Quốc Tuấn. (0.5 điểm)

b. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn văn là Nghị luận. (0.5 điểm)

c. Xét về mục đích nói, câu Thật khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho khỏi để tai vạ về sau! thuộc kiểu câu cảm thán. (0.5 điểm)

d.

* Chỉ ra các BPTT: (0.5 điểm)

- so sánh: ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa

- nói quá: xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù

- liệt kê: tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù

* Tác dụng: (1 điểm)

- Thể hiện nỗi trăn trở day dứt, sự đau đớn, xót xa của Trần Quốc Tuấn trước tội ác của quân giặc.

- Thể hiện lòng căm thù và ý chí quyết tâm tiêu diệt giặc mạnh mẽ của Trần Quốc Tuấn.

- Khơi gợi lòng đồng cảm trong lòng người đọc, người nghe về lòng uất hận quân xâm lược và khơi gợi lòng yêu nước, quyết tâm đánh giặc.

Câu 2:

A. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả Hồ Chí Minh và tác phẩm Ngắm trăng.

- Dẫn dắt, trích dẫn ý kiến.

B. Thân bài:

I. Khái quát

- Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác bài thơ: Sáng tác khi Bác bị Tưởng Giới Thạch bắt giam từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943, in trong tập Nhật kí trong tù.

- Khái quát về bài thơ.

II. Chứng minh

1. Bài thơ “Ngắm trăng” của Hồ Chí Minh đã thể hiện tình yêu thiên nhiên tha thiết.

* Rung động, bối rối trước vẻ đẹp của thiên nhiên

Ngục trung vô tửu diệc vô hoa

Đối thử lương tiêu nại nhược hà

- Điệp ngữ “vô” kết hợp với liệt kê “tửu, hoa” -> khẳng định sự thiếu vắng của những thi liệu gợi thi hứng trong lòng thi nhân. Người chiến sĩ đang bị giam cầm trong tù ngục, mất tự do… -> hoàn cảnh ngắm trăng đặc biệt.

- Câu hỏi tu từ “Đối thử lương tiêu nại nhược hà” -> thể hiện sự bối rối, xốn xang của tâm hồn nghệ sĩ của Bác trước cảnh đêm trăng đẹp.

* Gắn bó, chan hòa với thiên nhiên

Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt

Nguyệt tòng song khích khán thi gia

- Trăng được nhân hóa thành người bạn tri âm tri kỉ. Bác và trăng đang say sưa ngắm nhìn, tôn lên vẻ đẹp của nhau. Tâm hồn Bác có sự giao hòa tuyệt đối với trăng.

-> Tình yêu trăng, tình yêu thiên nhiên tha thiết của Bác -> Tâm hồn thi sĩ của Bác.

- Liên hệ một số bài thơ trăng của Bác.

2. Bài thơ còn thể hiện phong thái ung dung, lạc quan và khát vọng tự do cháy bỏng của người tù cách mạng.

* Khát khao hướng tới cuộc sống tự do

Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt

- Hình ảnh trăng là biểu tượng của tự do, hòa bình -> Cuộc vượt ngục tinh thần của người tù thể hiện khát vọng tự do, ý chí chiến đấu mãnh liệt.

* Phong thái ung dung, lạc quan

- Câu thơ đầu tiên: trong hoàn cảnh mất tự do thân thể, Bác vẫn để tâm hồn mình hướng ra bầu trời tự do để đến với trăng.

- Mở đầu bài thơ là hình ảnh trong nhà tù nhưng kết thúc bài thơ có hình ảnh thi gia (nhà thơ) -> Kẻ thù chỉ có thể giam cầm Bác về thân thể nhưng không thể giam hãm được tâm hồn Bác.

-> Thể hiện phong thái ung dung, tự tại, chất chiến sĩ trong con người Bác.

=> Chất chiến sĩ và chất thi sĩ hài hòa, thống nhất trong con người Bác. Đó chính là chất thép và chất tình hòa hợp làm nên vẻ đẹp tâm hồn Người.

III. Đánh giá

1. Nghệ thuật:

- Sự kết hợp hài hòa nét cổ điển và hiện đại.

+ Nét cổ điển: Bài thơ được viết bằng thể thơ Đường luật, mang âm hưởng thơ Đường, trang trọng, cổ kính, tao nhã. Đề tài: Vọng nguyệt. Thi liệu cổ: rượu, hoa, trăng. Ngôn ngữ hàm súc, ý tại ngôn ngoại.

+ Nét hiện đại:

Hoàn cảnh ngắm trăng của Bác rất đặc biệt: mất tự do về thân thể, thiếu thi liệu gợi hứng làm thơ nhưng hồn thơ vẫn cất cánh.

Thơ Bác có sự vận động hướng ra ánh sáng: tư thế ngắm trăng của người tù cộng sản, hướng ra ngoài song cửa nhà lao để ngắm trăng -> hướng ra tự do, ánh sáng -> cuộc vượt ngục bằng tinh thần.

- Sử dụng hiệu quả các BPTT: nhân hóa, điệp ngữ…

- Hình ảnh thơ giàu chất lãng mạn…

2. Nội dung

- Bài thơ đã khắc họa vẻ đẹp tâm hồn đáng quý của người chiến sĩ cộng sản: tâm hồn thi sĩ và cốt cách chiến sĩ hòa hợp tự nhiên, cao đẹp.

- Liên hệ, mở rộng những bài thơ khác.

C. Kết bài

- Khẳng định lại vấn đề.

- Liên hệ.