Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Đề thi học kì 2 Văn 7 trường THCS Nguyễn Văn Trỗi năm 2018-2019

15f7a0d777ba43bfddf0d7c610d62b11
Gửi bởi: Nguyễn Minh Lệ 12 tháng 2 2022 lúc 17:10:04 | Được cập nhật: 42 phút trước | IP: 14.185.168.44 Kiểu file: DOCX | Lượt xem: 22834 | Lượt Download: 0 | File size: 0.028788 Mb

Nội dung tài liệu

Tải xuống
Link tài liệu:
Tải xuống

Các tài liệu liên quan


Có thể bạn quan tâm


Thông tin tài liệu

ỦY BAN NHÂN DÂN TP BIÊN HÒA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

KIỂM TRA HỌC KỲ II - NĂM HỌC 2018 - 2019

MÔN: NGỮ VĂN 7

Thời gian làm bài: 90 phút (không kể thời gian giao đề)

(Đề này có 01 trang, gồm 2 phần)

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

“Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy
Một tiếng “vườn” rợp bóng lá cành vươn
Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng “suối”
Tiếng “heo may” gợi nhớ những con đường.

[...]Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết
Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi
Như vị muối chung lòng biển mặn
Như dòng sông thương mến chảy muôn đời.”

(Trích Tiếng Việt – Lưu Quang Vũ)

Câu 1: (1.5đ)

a. Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên là gì? (0.5đ)

b. Đoạn thơ đã giúp em có cảm nhận như thế nào về vẻ đẹp của Tiếng Việt? (0.5đ)

Thông qua đoạn thơ, tác giả muốn thể hiện tình cảm gì đối với Tiếng Việt? (0.5đ)

Câu 2: (1.5đ)

a. Câu thơ: “Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát” diễn tả đặc điểm nào của Tiếng Việt? (0.5đ)

b. Biện pháp tu từ được sử dụng chủ yếu trong đoạn thơ trên là gì? (0.5đ)

Biện pháp tu từ ấy có tác dụng gì trong việc diễn tả đặc điểm của Tiếng Việt? (0.5đ)

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1: (2.0đ)

Văn bản “Sự giàu đẹp của Tiếng Việt” (Đặng Thai Mai) và đoạn trích từ bài thơ “Tiếng Việt” (Lưu Quang Vũ) đã giúp em hiểu được phần nào giá trị của Tiếng Việt. Bằng hiểu biết của mình, em hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ về vai trò của Tiếng Việt trong cuộc sống.

Câu 2: (5.0đ)

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Em hiểu người xưa muốn nhắn nhủ điều gì qua câu ca dao ấy?

(HẾT)

ỦY BAN NHÂN DÂN TP BIÊN HÒA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

HƯỚNG DẪN CHẤM VÀ BIỂU ĐIỂM

KIỂM TRA HỌC KỲ II. NĂM HỌC 2018 – 2019

MÔN NGỮ VĂN 7

Câu Nội dung Điểm
I.ĐỌC HIỂU 3.0
A.Yêu cầu về hình thức: Có phần trả lời cho mỗi ý của câu hỏi, trình bày ý rõ ràng, diễn đạt tốt, chữ viết cẩn thận, sạch sẽ, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
B.Yêu cầu về nội dung: HS làm bài trên cơ sở hiểu nội dung của đoạn thơ, phương thức biểu đạt chính, nhận diện và nêu được tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ.
1.a Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: biểu cảm 0.5
1.b

- Tiếng Việt có vẻ đẹp phong phú và khả năng diễn đạt rất tinh tế.

- Tác giả có tình cảm trân trọng, yêu quý, gắn bó và tự hào đối với ngôn ngữ dân tộc.

0.5

0.5

2.a Câu thơ: “Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát” diễn tả Tiếng Việt là một thứ tiếng giàu chất nhạc. 0.5
2b

Biện pháp tu từ được sử dụng chủ yếu trong đoạn thơ trên là so sánh.

Biện pháp so sánh có tác dụng diễn tả đặc điểm của Tiếng Việt một cách đầy đủ, sống động và giàu hình ảnh.

0.5

0.5

II. LÀM VĂN 7.0
1

Viết đoạn văn.

- Yêu cầu về kĩ năng: Đảm bảo cấu trúc của một đoạn văn, diễn đạt mạch lac, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp, đáp ứng tương đối dung lượng theo yêu cầu.

- Yêu cầu về kiến thức:

HS có thể diễn đạt khác nhau nhưng cơ bản đáp ứng được các ý sau:

+ Tiếng Việt phản ánh đời sống tâm hồn người Việt Nam rất giàu có và phong phú.

+ Tiếng Việt giúp chúng ta giao tiếp và bày tỏ tâm tư, tình cảm với nhau.

+ Tiếng Việt còn khắng định nền độc lập, tự chủ của đất nước. Vì vậy, chúng ta cần phải trân trọng và giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.

0.5

1.5

2

Viết bài văn.

A.Yêu cầu về kĩ năng:

- Bài văn có sự sáng tạo, bố cục cân đối, diễn đạt mạch lạc, chặt chẽ, lời văn trong sáng, từ ngữ giàu sức biểu cảm.

- Hình thức trình bày sạch đẹp, chữ viết rõ ràng, không sai các lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

- Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận giải thích, kết hợp giữa nghị luận với miêu tả và biểu cảm. Trình bày được ý kiến, quan điểm của mình với vấn đề được đưa ra.

0.5

B.Yêu cầu về kiến thức:

- Học sinh biết cách chọn lọc, sắp xếp những luận cứ tiêu biểu, rõ ràng để giải thích cho luận điểm.

- Học sinh có thể lập luận bằng nhiều cách nhưng về cơ bản cần đáp ứng được các ý sau:

4.5

I. Mở bài:

- Giới thiệu truyền thống tương thân, tương ái là truyền thống lâu đời, thể hiện những đạo lí tốt đẹp của dân tộc.

- Giới thiệu, trích dẫn bài ca dao.

0.5

II.Thân bài:

* Giải thích ý nghĩa của câu ca dao:

- Nghĩa đen: Nhiễu điều: tấm vải đỏ, nhiễu điều phủ lấy giá gương tấm vải đỏ che phủ, bao bọc, bảo vệ gương.

- Nghĩa bóng: Lời khuyên của dân gian: Mọi người phải biết đoàn kết, thương yêu nhau. Tinh thần đoàn kết thương yêu nhau là truyền thống của dân tộc.

* Một số biểu hiện cho lối sống nghĩa tình, đoàn kết của người Việt:

- Thương yêu đùm bọc và sống có trách nhiệm với mọi người trong gia đình, làng xóm, trong một cộng đồng, quê hương, đất nước.

+ Cùng nhau tham gia chống ngoại xâm, bảo vệ hòa bình.

+ Cùng vượt qua những khó khăn trong thời bình như lũ lụt, dịch bệnh, nạn mù chữ...

- Giúp đỡ mọi người xung quanh, nhất là những người có cuộc sống khó khăn, bất hạnh....

- Một số chương trình truyền hình thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam: Lục lạc vàng, Hát mãi ước mơ, Vượt lên chính mình, Cặp lá yêu thương...

- Tấm gương có đời sống nhân nghĩa, hi sinh bản thân vì cộng đồng: Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Bá Ngọc, bé Hải An....

- Tích cực tham gia các phong trào tập thể và hoạt động từ thiện....

* Ý nghĩa của sống đoàn kết, thương yêu nhau:

- Tạo ra sức mạnh to lớn giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống lao động và chiến đấu.

- Đoàn kết, thương yêu nhau là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam tự bao đời nay.

* Liên hệ bản thân:

- Là học sinh, để thực hiện lời khuyên của dân gian, em cần biết yêu thương đoàn kết với bạn bè trong lớp, tham gia các hoạt động ủng hộ, quyên góp giúp đỡ bạn bè, những người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn...

* Lưu ý: Trong khi giải thích nội dung, HS cần liên hệ thêm một số câu ca dao, tục ngữ khác cùng nói về chủ đề yêu thương, tương thân tương ái giữa con người:

Một miếng khi đói bằng một gói khi no.

Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.

Thương người như thể thương thân.

Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

1.0

1.5

1.0

0.5

III.Kết bài:

Khẳng định giá trị của câu ca dao.

0.5

* Lưu ý:

Bài viết chưa làm nổi bật được yêu cầu của đề (chưa giải thích được rõ ràng nghĩa của câu ca dao), chưa ghi lại hoặc chỉ viết một cách sơ sài các biểu hiện và ý nghĩa của tình yêu thương, tinh thần tương thân, tương ái trong cuộc sống; mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt; không cho quá điểm trung bình cho bài viết (2.5 điểm)

- HẾT -