Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Văn mẫu: Viết bài làm văn số 2: Nghị luận xã hội

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 30 tháng 10 2019 lúc 10:19:59


Mục lục
* * * * *

Nghị luận: Quan niệm của anh chị về vấn đề sống vô cảm

 Beetoven đã từng nói rằng: “Trong cuộc sống không có cái gì cao quý và tốt đẹp hơn là đem hạnh phúc cho người khác”. Đó quả là một lối sống đẹp, vị tha và sẵn sàng hi sinh cho người khác. Nhưng hiện nay có một thực trạng vô cùng đáng buồn đó là lối sống vô cảm, thờ ơ với niềm đau, nỗi buồn, với cái xấu. Đây quả thực là tình trạng đáng báo động và nó như một căn bệnh dịch lan tỏa ngày càng nhanh trong xã hội.

    Vô cảm tức là sự thờ ơ, dửng dưng, không có cảm xúc với bất cứ sự vật, hiện tượng và vấn đề xã hội xảy ra xung quanh. Họ thờ ơ, không quan tâm chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với những người quanh mình. Họ vô tâm trước lợi ích của cộng đồng và đôi khi thờ ơ với chính tình cảm, tương lai của chính mình. Sự vô cảm này cũng chính là biểu hiện của sự sa đọa về đạo đức, xuống cấp về nhân cách của con người. Đây là một lối sống tệ hại, đáng phê phán, lên án.

    Lối sống vô cảm ngày càng trở nên phổ biến ở trong xã hội. Nó diễn ra ở khắp mọi nơi, mọi không gian và thời gian. Lối sống này tập trung nhiều nhất ở tầng lớp thanh niên, thế hệ mần nong của tương lai đất nước. Những người sống vô cảm thường vô tâm trước cái xấu, cái ác đang hoành hành, diễn ra trước mắt họ. Nếu họ vô tình nhìn thấy một người bị móc túi nơi công cộng, họ sẵn sàng ngó lơ, mặc kệ người bị hại, mặc kệ cái ác tung hoành. Với họ an toàn vẫn là trên hết, hơn thế nữa, việc người kia bị mất mát về tài sản cũng chẳng hề can hệ đến họ, bởi vậy họ dửng dưng đi qua.

    Người sống vô cảm khi gặp những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh thường làm ngơ, không quan tâm, đếm xỉa. Chắc hẳn hiện nay các bạn đã được xem rất nhiều video trên mạng xã hội, khi nhìn thấy người có ý định tự tử họ không cứu giúp khuyên ngăn mà lấy những chiếc điện thoại thông minh, ghi hình phát trực tiếp để “câu like” hay thấy những người bị tai nạn, họ cũng có những hành động tương tự. Quả thực, vô cùng đau lòng và xót xa khi tình trạng xuống cấp về đạo đức và lối sống lại nghiêm trọng đến như vậy.

    Không chỉ vậy, người sống vô cảm còn chỉ biết “nhận” của người khác chứ không biết “cho” đi. Họ chỉ luôn nghĩ về những lợi ích mà bản thân, họ không mảy may quan tâm đến lợi ích của cộng đồng. Lợi ích của bản thân là mục đích tối thượng mà họ hướng đến. Bởi vậy, đôi khi những người này bất chấp thủ đoạn, bằng mọi giá để đạt được nguyện vọng của chính mình.

    Ngoài ra, người vô cảm thường sống lạnh nhạt, thờ ơ với những người xung quanh: cha mẹ, bạn bè, hàng xóm. Họ luôn muốn thu mình vào vỏ ốc chật hẹp, lười giao tiếp. Niềm vui với họ là được ở một mình, làm việc một mình. Họ ngại chia sẻ, yêu thương, không muốn gắn bó với bất cứ ai.

    Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến lối sống vô cảm ngày càng trở nên phổ biến. Đầu tiên phải kể đến là sự phát triển của nền kinh tế thị trường, với tư tưởng thực dụng ngày càng ăn sâu, bám rễ vào tư tưởng của con người. Thương trường như chiến trường, con người ta phải cạnh tranh khốc liệt để sinh tồn bởi vậy họ bất chấp thủ đoạn để được thành công, không quan tâm đến nghĩa tình bạn bè, đồng nghiệp. Thứ hai, có thể kể đến là những hạn chế trong giáo dục. Hệ thống giáo dục dường như nặng nề, thiên về dạy kiến thức hơn là dạy về đạo đức. Đối với mỗi chúng ta, đầu tiên phải là một người tốt trước khi trở thành một người giỏi. Sự lệch lạc này cũng khiến cho căn bệnh vô cảm ngày càng trở nên nhiều hơn. Bên cạnh đó là sự chiều chuộng của bậc cha mẹ, phụ huynh chiều con quá mức. Đáp ứng mọi yêu cầu của con, có những hành xử thiếu đúng đắn khiến đứa trẻ nảy sinh tính ích kỉ, không biết quan tâm, sẻ chia với những người xung quanh. Và cuối cùng là do chính bản thân mỗi người, không có đầy đủ kĩ năng, kinh nghiệm sống, sống ích kỉ, kĩ năng ứng xử, giao tiếp kém. Sống vị kỉ thiếu tình yêu thương với những người xung quanh.

    Lối sống vô cảm đã để lại những hậu quả khôn lường với xã hội. Hãy thử tưởng tượng một xã hội chỉ toàn người vô cảm thì xã hội ấy sẽ ra sao khi cái xấu, cái ác sẽ lên ngôi và thống trị. Cuộc sống khi thiếu đi tình thương yêu các giá trị nhân văn tốt đẹp sẽ đảo lộn, bị triệt tiêu hoàn toàn. Đó quả là một viễn cảnh không ai muốn trở thành hiện thực song nếu căn bệnh này vẫn còn thì viễn cảnh kia trong tương lai sẽ trở thành sự thật.

    Nhưng không phải là không có cách để khắc phục tình trạng trên. Ngay từ bây giờ hãy tạo nên một môi trường sống đầy tình yêu thương, mọi người luôn quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau. Hệ thống giáo dục không chỉ hướng đến đào tạo những con người tài giỏi mà còn phải để học sinh trước hết là những công dân có đạo đức, nhân cách. Lên án, phê phán những kẻ sống thờ ơ, chỉ biết đến lợi ích cá nhân.

    Đối với mỗi học sinh chúng ta cần ra sức tu dưỡng nhân cách và đạo đức để trở thành con người tốt của xã hội. Sống hòa đồng, yêu thương và san sẻ với những người xung quanh. Có một trái tim rộng mở biết đồng cảm với những nỗi đau, nỗi bất hạnh của mọi người.

    Sống vô cảm là lối sống sai trái, lệch lạc và ẩn chứa đầy nguy hiểm đối với xã hội. Bản thân mỗi người cần xây dựng lối sống lành mạnh, tích cực, sống hòa đồng và yêu thương những người xung quanh. Sống trong tình yêu thương và bằng tình yêu thương xã hội này sẽ ngày một trở nên tốt đẹp hơn.

Nghị luận: Vào đại học có phải con đường tiến thân duy nhất của tuổi trẻ ngày nay

 Những ngày cuối tháng sáu đầu tháng bảy không khí ở khắp các tỉnh thành trên cả nước lại nóng bỏng hơn bao giờ hết. Hàng triệu thí sinh bước vào kì thi Trung học phổ thông Quốc gia đầy cam go, căng thẳng. Đã từ lâu, in hằn trong nếp nghĩ của mọi người về việc bằng mọi giá phải vào được đại học, bởi đó là con đường lập thân, lập nghiệp duy nhất. Liệu thực sự có phải vào đại học mới là con đường duy nhất giúp chúng ta vươn đến thành công.

    Theo như định nghĩa, giáo dục đại học có nghĩa là “giáo dục thường được diễn ra ở các trường đại học, viện đại học, đại học, trường cao đẳng, học viện và viện công nghệ. Giáo dục đại học nói chung bao gồm các bậc sau trung học như cao đẳng, đại học và sau đại học và gồm cả một số cơ sở giáo dục bậc đại học hay cao đẳng như các trường huấn luyện nghề và trường kinh doanh có trao văn bằng, học thuật hay cấp chứng chỉ chuyên nghiệp.

    Hiện nay nhiều người quan niệm rằng vào đại học là con đường tiến thân duy nhất của giới trẻ. Nhận định này chỉ đúng ở một phần nào đó, không đúng hoàn toàn.

    Đại học là con đường, là mơ ước khát vọng đẹp đẽ mà bất cứ người trẻ nào cũng hướng đến. Đó là chân trời rộng mở, chân trời của tri thức, tự do và sự khám phá, trải nghiệm của bản thân. Vào đại học cũng là cách thức để chúng ta khẳng định bản thân và lập nghiệp. Chúng ta đang sống trong thời đại khoa học kĩ thuật, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Nền kinh tế tri thức làm chủ đạo, bởi vậy nếu con người không ngừng học tập sẽ trở nên thụt lùi, lạc hậu và không bắt kịp với xu thế chung của thời đại. Bên cạnh đó, nền kinh tế ngày càng có sự phân loại và chuyên môn hóa cao, nếu chúng ta chỉ có kiến thức của cấp bậc phổ thông không thôi sẽ là chưa đủ, mà cần phải có kiến thức chuyên sâu của bậc đại học để tham gia vào quá trình lao động sản xuất. Hơn nữa, tuổi trẻ là tuổi để dễ dàng tiếp thu các tri thức mới, tiến bộ của nhân loại, lại cộng thêm với sự truyền đạt của những người thầy hàng đầu sẽ giúp các bạn trẻ tiếp cận tri thức một cách dễ dàng hơn. Và cuối cùng, cuộc đời con người là cả một quá trình học hỏi không ngừng, đúng như Lê-nin đã từng nói : “Học, học nữa, học mãi”. Sau khi học phổ thông chúng ta tiếp tục học đại học sẽ tạo nên mạch liên tục cho việc tiếp thu tri thức.

    Vào đại học cũng là con đường ngắn nhất để các bạn có nền tảng vững chắc, được theo đuổi một công việc mình mơ ước, đáp ứng nhu cầu sống của bản thân. Bởi vậy, mỗi chúng ta khi bước chân vào cánh cổng đại học cần phải chuyên cần, tập trung năng lực để tiếp thu tri thức. Không nên ham chơi, mải mê, lãng phí thời gian, tuổi trẻ.

    Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng cần thấy rõ rằng, Đại học không phải là con đường tiến thân duy nhất đối với mỗi người. Tùy vào hoàn cảnh, năng lực của mỗi cá nhân mà chúng ta có những cách lập thân và lập nghiệp khác nhau. Nếu điều kiện gia đình bạn không cho phép học đại học, hãy trở thành một người thợ lành nghề, làm việc thật cần cù, chăm chỉ, khi ấy bạn sẽ trở thành người thành công. Trong cuộc sống của chúng ta có không ít người không vào đại học những vẫn trở thành tấm gương thành công để mọi người noi gương học tập. Có thể kể đến như Michael Dell, nhà sáng lập của tập đoàn Dell. Ông bỏ đại năm 19 tuổi và với số vốn ít ỏi ông đã mở công ty, phát triển công ty nhỏ bé của mình thành một tập đoàn hùng mạnh như hiện nay. Hay Henry Ford, ông chưa tốt nghiệp trung học, nhưng ông đã sáng lập nên một trong những tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất thế giới Ford.

    Quả thực vào đại học là con đường nhanh nhất, ngắn nhất để chúng ta đi đến cái đích của sự thành công. Nhưng chúng ta cũng cần hiểu rằng vào đại học không phải là con đường duy nhất. Chúng ta sẽ có rất nhiều con đường khác nhau, có thể xa hơn, vòng vèo, vất vả hơn nhưng nếu có ý chí và nghị lực, nhất định ai cũng sẽ vươn đến cái đích của sự thành công. Vào đại học chỉ là một bước đệm còn quan trọng nhất vẫn là ở bản thân, ở ý chí, nghị lực của mỗi con người.

Nghị luận xã hội về giá trị của thời gian

Người ta vẫn thường nói rằng “Thời gian là vàng”. Quả thực đúng như vậy, thời gian với vũ trụ tuần hoàn, còn đối với con người lại một đi không trở lại. Bởi vậy nó vô cùng quý giá đối với cuộc sống của mỗi chúng ta. Mỗi người chỉ có một quỹ thời gian giống nhau, vậy làm sao để sống một cuộc đời thật ý nghĩa.

    Theo như định nghĩa của Wikipedia, thời gian có nghĩa là: “Thời gian là một khái niệm để diễn tả trình tự xảy ra của các sự kiện, biến cố và khoảng kéo dài của chúng. Thời gian được xác định bằng số lượng các chuyển động của các đối tượng có tính lặp lại và thường có một thời điểm mốc gắn với một sự kiện nào đó”.

    Thời gian là vô cùng quý giá, không gì có thể nói lên hết được giá trị của chúng. Mỗi khoảnh khắc chúng ta được sống, được hoạt động là duy nhất trên cõi đời này, sẽ không bao giờ lấy lại được những cái đã qua. Thời gian giúp ta ngày càng trưởng thành, mạnh mẽ, sau khi vượt qua những giống tố trong cuộc đời, con người bao giờ cũng già dặn, chín chắn hơn. Thời gian là liều thuốc tôi luyện con người ra trưởng thành.

    Thời gian còn giúp xóa đi những hận thù, làm nhòa đi những ân oán. Thời gian là liều thuốc tốt nhất giúp ta cân bằng lại cuộc sống sau những khổ đau và mất mát.

    Không chỉ vậy, thời gian còn có ý nghĩa khẳng định giá trị của mỗi cá nhân trong cuộc sống này. Bạn có thể bỏ ra rất nhiều tiền để trang hoàng lên bản thân những món đồ xa xỉ, đắt tiền, nhưng thời gian trôi đi bạn sẽ bị lãng quên vào quá khứ. Chẳng một ai còn nhớ đến bạn. Nhưng đối với con người có ý chí, nghị lực, dành những thành tựu to lớn cho nhân loại, thì thời gian chính là chứng nhân minh chứng cho sự trường tồn vĩnh cửu của bạn. Thời gian ở đây là thứ thuốc thử về sự vĩ đại của bạn đối với nhân loại, người ta sẽ còn nhớ mãi về nhà khoa Albert Einstein, Isaac Newton, Galileo Galilei, Charles Robert Darwin,… những nhà khoa học thiên tài, lỗi lạc để lại cho nhân loại những tri thức uyên thâm.

    Thời gian, đồng thời cũng cướp đi tuổi trẻ, sức khỏe của chúng ta một cách âm thầm, lặng lẽ. Và chúng cũng có thể làm thay đổi tính cách của một con người. Xóa nhòa và lãng quên mọi chuyện vào dĩ vãng. Thời gian quả thực có sức mạnh phi thường.

    Thời gian vô thủy vô chung, một đi không trở lại, vậy chúng ta cần làm gì để có thể sử dụng thời gian một cách hợp lí. Bản thân mỗi người đều có những mốc thời gian cho những việc làm nhất định, khi còn nhỏ chúng ta cần tiếp thu tri thức nền, làm nền tảng cho những cấp học cao. Bước vào cuộc sống thời gian dùng để làm việc, không ngừng phấn đấu. Như vậy mỗi quãng đời của con người luôn có những công việc chính, mục đích chính mà ta cần đạt đến bên cạnh rất nhiều công việc có ý nghĩa khác. Bởi vậy chúng ta cần tập trung sức lực, tranh thủ từng giờ, từng phút không ngừng học hỏi trau dồi tri thức, rèn luyện nhân cách, học hỏi để hoàn thiện bản thân và không lãng phí thời gian.

    Không chỉ vậy, trong quá trình làm việc cần làm kiên quyết, mạnh mẽ, dứt khoát, không được trì hoãn. Trì hoãn một lần sẽ là cái cớ để bạn trì hoãn những lần sau tiếp theo và chắc chắn rằng cánh cửa thất bại đang đợi chờ bạn ở phía trước.

    Để quản lí thời gian tốt cần lên cho mình những kế hoạch cụ thể với thời gian cụ thể. Trong các khoảng thời gian đó cần có sự phân bố hợp lí giữa thời gian học, vui chơi, giải trí, làm việc,… để bản thân luôn có một trạng thái tinh thần tốt nhất.

    Bên cạnh những người biết sử dụng thời gian hợp lí, có hiệu quả lại có rất nhiều người lãng phí thời gian vào những việc vô bổ. Và đặc biệt giới trẻ hiện nay lãng phí quá nhiều thời gian vào việc lướt web, xem các mạng xã hội,… mà không ngằm mục đích gì. Những việc làm đó không chỉ lãng phí thời gian, mà còn lãng phí cả thanh xuân, tuổi trẻ và đang dần đánh mất tương lai của chính bạn.

    Thời gian là thứ không thể nhìn thấy, không thể cầm nắm nhưng lại có giá trị to lớn, và tác động sâu sắc đến cuộc sống mỗi người. Cuộc sống hiện đại hối hả, gấp gáp càng đòi hỏi hơn nữa chúng ta phải biết cách sử dụng thời gian hợp lí. Sử dụng thời gian hợp lí là một trong những cách thức để đạt thành công.

Nguồn: vietjack