Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Văn mẫu: Sang thu

Gửi bởi: Nguyễn Thị Ngọc 29 tháng 10 2019 lúc 11:17:16


Mục lục
* * * * *

Phân tích bài thơ Sang Thu của Hữu Thỉnh

Có lẽ, trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thì mùa thu thường gợi cảm hứng cho thi ca, nhạc họa nhiều nhất. Ta có thể bắt gặp chùm thơ Thu của Nguyễn Khuyến, "Tiếng thu" của Lưu Trọng Lư hay "Đây mùa thu tới" của Xuân Diệu... và cũng viết về đề tài mùa thu, nhà thơ Hữu Thỉnh với thi phẩm "Sang thu" đã có những cảm nhận về phút giây giao mùa chuyển từ cuối hạ sang đầu thu thật mới mẻ, tinh tế, nhẹ nhàng. Bài thơ được sáng tác năm 1977, in trong tập "Từ chiến hào đến thành phố", rất tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ nhỏ nhẹ, thiết tha, sâu lắng của Hữu Thỉnh.

   Mở đầu bài thơ là những cảm nhận ban đầu trước những tín hiệu dịu nhẹ lúc sang thu trong một không gian thu rất gần và hẹp:

   "Bỗng nhận ra hương ổi

   Phả vào trong gió se

   Sương chùng chình qua ngõ

   Hình như thu đã về"

   Tín hiệu đầu tiên báo hiệu thời khắc của sự giao mùa từ cuối hạ sang thu là hình ảnh "hương ổi" bay phảng phất trong gió se. Hương ổi chín thơm ấy, vừa quen thuộc lại vừa mới mẻ. Quen thuộc vì nó là hương thơm thường gắn liền với đồng quê, thôn xóm của người Việt, rất dân dã, mộc mạc. Nhưng nếu trong thơ xưa, các nhà thơ khi miêu tả cảnh thu thường gắn liền với ao thu, bầu trời thu hay bông hoa cúc vàng rực rỡ, một chiếc lá vàng khô... thì ở đây, Hữu Thỉnh lại cảm nhận tín hiệu ban đầu báo hiệu thời khắc của sự chuyển giao mùa hạ sang thu là hương ổi. Điều đó đã tạo nên sự mới mẻ trong cách cảm nhận và miêu tả cảnh thu của nhà thơ. Hương thơm ngát của ổi chín đã đượctác giả miêu tả qua động từ "phả". Từ "phả" diễn tả một mùi hương nồng nàn, đậm đà, lan tỏa trong gió se. "Gió se" là một loại gió chỉ có trong mùa thu, hơi khổ, se se lạnh. Và chính ngọn gió đầu mùa ấy đã đưa mùi hương bay tỏa ra khắp không gian làm nên vẻ đẹp của mùa thu.

   Mùa thu tới không chỉ có gió, có hương ổi mà còn có cả làn sương. Không gian thu lãng đãng hơi sương, tạo cho khung cảnh thu thêm lãng mạn. Làn sương được nhân hóa qua động từ "chùng chình", có tác dụng gợi tả những làn sương mỏng manh, nhẹ nhàng như cố ý chậm lại, như lưu luyến chưa muốn bước hẳn vào thu. Ngõ ở đây vừa là ngõ thực của thôn làng, ngõ xóm; lại vừa là ngõ cửa của thời gian như chao nghiêng ranh giới giữa hai mùa, mùa hạ thì chưa muốn qua mà mùa thu thì chưa muốn tới.

   Cảm xúc trước của nhà thơ trước những tín hiệu mùa thu đã được tác giả diễn tả qua từ "bỗng", thể hiện sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên, bất ngờ khi phát hiện ra những tín hiệu đó. Và thiên nhiên, trời đất đã được tác giả mở lòng ra mà đón nhận bằng tất cả các giác quan với những rung động thật tinh tế, nhẹ nhàng: khứu giác (mùi hương ổi), xúc giác (gió se), thị giác (sương chùng chình). Từ tất cả các tín hiệu trên (gió, hương, sương) tác giả đi đến kết luận: "Hình như thu đã về". Đây là một sự phỏng đoán bằng cảm giác, bằng linh tính của tâm hồn. "Hình như" là từ tình thái thể hiện sự tin tưởng thấp, chưa chắc chắn, vẫn còn mơ hồ. Trạng thái cảm xúc này không chỉ phù hợp với cảnh thu mà cũng rất phù hợp với logic tâm trạng. Bởi những tín hiệu của mùa thu đều là những tín hiệu vô hình, không có hình khối, màu sắc rõ ràng, cụ thể nên nhà thơ mới có cảm xúc ngỡ ngàng, bâng khuâng, có phần hơi bối rối trước tín hiệu mùa thu.

   Nếu như khổ thơ đầu, không gian thu được co hẹp trong một không gian rất gần và hẹp thì tới khổ hai, không gian thu đã được mở rộng về biên độ với tầm nhìn cao và xa hơn, từ mặt đất lên bầu trời:

   "Sông được lúc dềnh dàng

   Chim bắt đầu vội vã

   Có đám mây mùa hạ

   Vắt nửa mình sang thu"

   Hình ảnh dòng sông được nhân hóa qua từ láy "dềnh dàng", tức là chậm chạp, thong thả. Dòng sông không còn cuồn cuộn, gấp gáp chảy trước những cơn mưa lũ của mùa hạ nữa mà thay vào đó, nó trở nên lắng lại, từ từ, nhẹ nhàng, lững lờ trôi. Dường như, dòng sông cũng ngập ngừng như muốn níu kéo mùa hạ, chưa muốn sang mùa thu. Ngược lại với sự "dềnh dàng" của dòng sông là trạng thái "vội vã" của cánh chim đang mải miết bay đi tránh rét khi chúng bắt đầu cảm nhận được cái se se lạnh của tiết trời đầu thu. Nghệ thuật đăng đối ở hai câu thơ đầu tạo nên hình ảnh thơ thật đẹp, rất chỉnh, giàu tính chất tạo hình, đồng thời làm cho không gian thu trở nên rộng mở hơn, rất khoáng đạt.

   Khép lại khổ thơ là hình ảnh đám mây được nhân hóa với hành động "vắt nửa mình". Hình ảnh thơ rất giàu tính chất tạo hình trong không gian và có ý nghĩa diễn tả sự vận động của thời gian. Đám mây trắng buốt mềm mại trải dài như một tấm lụa treo ngang trên bầu trời, rất nhẹ nhàng, duyên dáng. Và mây cũng chính là ranh giới chao nghiêng giữa hai mùa hạ - thu. Cảnh vật trở nên vừa hư lại vừa thực, đó là sản phẩm của trí tưởng tượng rất nên thơ và hết sức độc đáo, mới mẻ của tác giả. Tóm lại, với một hệ thống những hình ảnh đẹp, giàu tính chất tạo hình trong không gian, kết hợp với nghệ thuật nhân hóa, tương phản, nhà thơ đã khắc họa thành công khung cảnh trời đất khi bắt đầu vào thu thật sống động, tinh tế, nhẹ nhàng. Chắc chắn Hữu Thình phải là một ngòi bút tài năng, một tâm hồn nghệ sĩ và tình yêu thiết tha với thiên nhiên tạo vật thì mới tạo nên câu thơ viết về mùa thu đẹp, lãng mạn đến như vậy.

   Từ những cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến và những rung động mãnh liệt trước những phút giây giao mùa vào thu ở khổ một, hai, nhà thơ chuyển sang giọng điệu suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời:

   "Vẫn còn bao nhiêu nắng

   Đã vơi dần cơn mưa

   Sấm cũng bớt bất ngờ

   Trên hàng cây đứng tuổi."

   Nhà thơ thật tinh tế và nhạy cảm khi phát hiện ra những thay đổi về mặt thời tiết. Vẫn là sấm, mưa, nắng, những hiện tượng thời tiết của mùa hè nhưng trong khoảnh khắc giao mùa này đã có sự đổi thay về mực độ. Cái nắng nóng chói chang của mùa hạ đã dần nhạt màu, không còn gay gắt như còn ở giữa mùa hạ; những cơn mưa rào bất chợt ào ào kéo đến cũng đã vơi dần đi. Sấm chớp kéo theo những cơn dông lốc dữ dội cũng bớt đi, cũng trở nên thưa thót hơn nhiều. Những từ như "vẫn còn", "vơi dần", "cũng bớt" đã có tác dụng diễn tả những hiện tượng của tự nhiên đó (sấm, mưa, nắng) đã giảm đi về mức độ và cường độ khi trời đất đang giao mùa cuối hạ, đầu thu rất nhẹ nhàng, khó nhận biết. Thế nhưng, với một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, nhà thơ đã phát hiện ra sự chuyển biến đó của thiên nhiên, vũ trụ.

   Từ hiện tượng của tự nhiên, nhà thơ suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời:

   "Sấm cũng bớt bất ngờ

   Trên hàng cây đứng tuổi"

   "Sấm" là hình ảnh ẩn dụ, biểu trưng cho những tác động của ngoại cảnh với những biến động của cuộc đời. "Hàng cây đứng tuổi" là những cành cây lâu năm, cành lá sum suê, rễ cắm sâu xuống lòng đất vô cùng chắc chắn. Những hàng cây này đã trải qua biết bao nhiêu mùa bão giông với những biến thiên của trời đất. Và nó biểu trưng cho những con người từng trải đã đi qua biết bao nhiêu những khó khăn, vất vả, hiểm nguy trên đường đời. Như vậy, bằng nghệ thuật ẩn dụ, nhà thơ thể hiện sự suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời con người: con người từng trải sẽ trở nên vững vàng hơn trước những thử thách trong cuộc đời. Lúc viết bài thơ này, Hữu Thỉnh mới chỉ hơn ba mươi tuổi, ấy vậy nhưng Hữu Thỉnh đã tự cho rằng mình là người từng trải. Có lẽ điều này xuất phát từ hoàn cảnh của ông xuất thân từ một người lính, đã trải qua biết bao nhiêu là khó khăn, gian nan, vất vả; với biết bao nhiêu tang tóc, hi sinh, mất mát nơi chiến trường khốc liệt... nên đã rèn luyện cho nhà thơ một bản lĩnh cứng cỏi và nghị lực vươn lên, dám đương đầu với mọi biện động bất thường mà cuộc sống sẽ xảy ra. Đặt câu thơ "sấm cũng bớt bất ngờ" vào trong một hệ thống các câu thơ ở khổ một, hai như làn "sương chùng chình qua ngõ" và "vắt nửa mình sang thu", người đọc chợt nhận ra sự lưu luyến muốn níu kéo thời gian của nhà thơ khi nhận ra sự sang thu của tạo vật cũng chính là sự "sang thu" của đời người...

   Bài thơ được viết theo thể năm chữ, hình ảnh thơ đẹp, giàu sức gợi , ngôn ngữ trong sáng, giàu sức biểu cảm đã có tác dụng diễn tả những trạng thái của cảnh vật và sự cảm nhận tinh tế, nhạy cảm của thi nhân trước thiên nhiên, vũ trụ đất trời khi bắt đầu sang thu. Đọc xong bài thơ, chúng ta thấy được sự mới mẻ trong cách cảm nhận mùa thu của Hữu Thỉnh, đồng thời thấy được tình yêu đời, yêu thiên nhiên đất nước sâu sắc của nhà thơ.

Phân tích hai khổ đầu bài thơ Sang thu

Có lẽ trong bốn mùa xuân hạ thu đông thì mùa thu luôn là mùa được ưu ái hơn cả khi bước vào địa hạt thi ca. Xoay quanh đề tài mùa thu, cổ kim đông tây có biết bao bài thơ hay, gửi gắm những suy nghĩ, tâm tình khác nhau. Nằm trong nguồn mạch chung của văn học, Hữu Thỉnh cũng góp một tâm tình, một bức tranh đẹp đẽ, bình dị của mùa thu Bắc Bộ Việt Nam với bài thơ Sang thu.

    Sang thu là thời điểm mở đầu, như một bông hoa chớm nở, nét thu còn chưa rõ, mà mùa hạ vẫn còn vấn vương. Bởi vậy để cảm biết được trọn vẹn tín hiệu, vẻ đẹp của mùa thu cần phải có một tâm hồn rất đỗi tinh tế, nhạy cảm. Và hồn thơ Hữu Thỉnh là một hồn thơ nhạy cảm như vậy.

    Mở đầu bài thơ là mùi hương vô cùng quen thuộc – hương ổi:

   Bỗng nhận ra hương ổi

   Phả vào trong gió se

    Nếu như mùa thu trước đây đều được cảm nhận bằng những tín hiệu cổ điển như: hoa cúc, cây phong, cây ngô đồng, mới hơn thì có Xuân Diệu, với hình ảnh rặng liễu: “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng” thì Hữu Thỉnh lại tìm đến một mùi hương hết sức giản dị, thân thương của đồng quê, ấy là hương ổi. Hương ổi đậm sánh phả vào trong gió se, lan rộng vào khắp không gian. Và tác giả “bỗng nhận ra” – trạng thái không chuẩn bị, vô cùng bất ngờ, sửng sốt. Bởi hương thơm ấy, bởi mùa thu tác giả đã chờ đợi biết bao lâu nay cũng đã về. Nó là tiếng kêu vang thích thú, hào hứng khi bất chợt nhận ra khoảnh khắc thu sang. Bằng những cảm nhận hết sức tinh tế, Hữu Thỉnh đã đem đến cho người đọc một vẻ đẹp rất khác, rất bình dị, dân dã của mùa thu Bắc Bộ.

    Sau sự ngỡ ngàng khi bất chợt nhận ra tín hiệu của mùa thu, Hữu Thỉnh tiếp tục nhận thấy một tín hiệu khác đó chính là những làn sương mỏng, nhẹ đang chùng chình đi qua ngõ:

   Sương chùng chình qua ngõ

    Sương mỏng nhẹ, chậm chạp đi qua ngõ, như cố nương lại, cố để báo cho thi nhân biết rằng bản thân cũng là một tín hiệu mỗi khi thu sang. Hình ảnh sương thu xuất hiện làm cho cả không gian ngõ xóm thêm phần mát mẻ, huyền ảo và bình yên. Đồng thời với biện pháp nhân hóa, khiến cho làn sương như có tâm trạng, nó đang chờ đợi và lưu luyến ai. Bằng sự nhạy cảm của các giác quan và sự tinh tế trong tâm hồn, Hữu Thỉnh đã cảm biết đầy đủ những tín hiệu thu về. Đây là biểu hiện của lòng yêu đời và yêu cuộc sống tha thiết.

    Sau những bất ngờ, ngỡ ngàng trước khoảnh khắc thu sang, thi nhân mở rộng mọi giác quan để thấy được sự thay đổi của từng sự vật, hiện tượng mỗi độ thu về:

   Sông được lúc dềnh dàng

   Chim bắt đầu vội vã

   Có đám mây mùa hạ

   Vắt nửa mình sang thu

    Tầm mắt đã được mở ra với không gian rộng rãi, khoáng đạt hơn. Và ở không gian ấy, ông nhận ra biết bao sự thay đổi của các sự vật, hiện tượng. Khi thu về, sông không còn ồn ào, cuồn cuộn siết chảy mà thay vào đó là chậm chạp, lững lờ, khoan thai. Khi thu sang, thời tiết bắt đầu se lạnh, những chú chim cũng bắt đầu vội vàng đi về phương nam tránh rét. Hai câu thơ với hai sự vật có sự vật động trái ngược nhau: sông dềnh dàng, trên cao chim vội vã. Đó là khoảng khắc khác biệt của vạn vật, trong thời khác chuyển giao giữa hai mùa.

    Nhưng đặc biệt nhất trong khổ thơ này chính là hình ảnh đám mây. Trong thơ ca Việt Nam nói về đám mây có không ít, là tầng mây xanh ngắt trong thơ Nguyễn Khuyến: Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt; là lớp mây đùn núi bạc trong thơ Huy Cận: “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc”. Còn đám mây của Hữu Thỉnh lại có sự hồn nhiên, tinh nghịch, khi nửa vẫn còn ở mùa hạ, nửa lại đã bước chân sang mùa thu. Tác giả đã thật tinh tế khi sử dụng từ “vắt” để nói đến thời điểm giao mùa, đám mây vắt mình lên ranh giới mong manh giữa hai mùa, để rồi đến cuối cùng chỉ còn lại sắc thu đậm nét. Câu thơ cho thấy sự tìm tòi, khám phá và trường liên tưởng thú vị của Hữu Thỉnh khi thời tiết chuyển giao.

    Với thể thơ năm chữ giàu nhịp điệu kết hợp với hình ảnh nhân hóa đặc sắc, Hữu Thỉnh đã đem đến cho thơ ca một mùa thu thật đẹp, thật mộc mạc giản dị. Mùa thu ấy là những rung cảm tinh tế và tài hoa, được cảm nhận qua lăng kính của người nghệ sĩ tha thiết yêu đời, yêu thiên nhiên vạn vật và yêu cuộc sống.

Dàn ý Phân tích cảm hứng thu sâu sắc và tinh tế của Hữu Thỉnh qua bài thơ Sang thu

I. Mở bài

- Giới thiệu về mùa thu trong thơ ca nói chung

- Giới thiệu tác giả Hữu Thỉnh và tác phẩm Sang Thu

    + Bài thơ thể hiện cảm nhận tinh tế và sâu sắc của tác giả trước cảnh đất trời trong khoảnh khắc sang thu

II. Thân bài

1. Khái quát hoàn cảnh sáng tác và mạch cảm xúc chủ đạo của bài thơ

    + Tác phẩm được viết năm 1977, in lần đầu trên báo Văn nghệ, sau đó được in rất nhiều lần trong các tập thơ

    + Mạch cảm xúc: Bài sang thu là bức thông điệp trong khoảnh khắc giao mùa, nổi bật với hai mạch cảm xúc: Cảm nhận về thiên nhiên lúc sang thu và suy ngẫm, chiêm nghiệm của tác giả về đời người trước hình ảnh tự nhiên

2. Phân tích cảm nhận thu tinh tế, sâu sắc của tác giả

2.1 Cảm nhận thu tinh tế cảu tác giả ( từ cảm nhận về thiên nhiên)

- Thiên nhiên được cảm nhận từ những thứ tưởng chừng như vô hình ( hương ổi, gió) dần dần hữu hình, rõ nét (sương, ngõ)

    + Thiên nhiên mang trạng thái, xúc cảm của con người: chùng chình, lưu luyến, bâng khuâng

- Tác giả cảm thấy bất ngờ, ngạc nhiên “bỗng nhận ra hương ổi” trước khoảnh khắc sang thu diệu kì “hình như thu đã về”

    + Tác giả cảm nhận tự nhiên bằng tất cả các giác quan của mình như thị giác, khứu giác, xúc giác – thể hiện sự giao hòa, thấu hiểu tự nhiên

    + Tâm hồn thi sĩ cũng biến điệu nhịp nhàng với bước chuyển giao mùa

- Cảm nhận thu trong không gian cao và xa hơn

    + Hai câu thơ “Sông được lúc dềnh dàng/ Chim bắt đầu vội vã” gợi không gian rộng mở, cao vời vợi của tự nhiên

    + Mọi sự vật, hiện tượng của đất trời như chuyển biến thật tinh tế

    + Tác giả phải là người tinh tế mới có thể cảm nhận được sự chuyển biến của thiên nhiên trong lúc “bắt đầu” ấy

- Hai câu thơ cuối là đỉnh cao của nghệ thuật gợi tả, mang lại nhiều liên tưởng thú vị cho người đọc

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

    + Thiên nhiên đang ở cửa ngõ của mùa: cửa ngõ không và thời gian. Nghệ thuật nhân hóa thể hiện trí tưởng tượng phong phú, khả năng đồng điệu và thấu hiểu của tác giả trước tự nhiên

- Khổ thơ cuối hình ảnh thu sang nhẹ nhàng, rõ rệt gắn với chiêm nghiệm của tác giả về cuộc đời, con người

    + Nắng cuối hạ vẫn còn oi nồng nhưng đã “vơi dần những cơn mưa” bất ngờ, ào ạt của mùa hạ.

    + Những từ ngữ “vơi”, “bớt”, “dần” gợi tả thiên nhiên mùa hạ nhạt dần, thu tới đậm nét và bất ngờ hơn

2.2 Cảm nhận thu sâu sắc, những suy ngẫm và chiêm nghiệm của tác giả

- Hai câu thơ cuối bài kết tinh những chiêm nghiệm, suy ngẫm sâu sắc của tác giả về con người, cuộc đời

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi

- Nghĩa thực: tả thiên nhiên trong mùa thu, sấm thưa thớt dần và nhỏ dần, ít có giông bão, biến cố “sấm cũng bớt bất ngờ”

- Nghĩa ẩn dụ: “sấm” là những biến động bất thường của hoàn cảnh và cuộc đời. “Hàng cây đứng tuổi” là con người từng trải

→ Thu sang nhưng gợi liên tưởng tới đời người: con người khi đi qua những thăng trầm, bất ngờ của cuộc đời sẽ không cảm thấy sợ sệt, bất ngờ trước những sóng gió của cuộc đời

III. Kết bài

Khoảnh khắc sang thu vừa mong manh, hư ảo vừa rõ rệt cụ thể. Thiên nhiên trong thời điểm giao mùa thơ mộng qua cảm nhận tinh tế của nhà thơ trước những biến chuyển của trời đất trong thời khắc sang thu và cả những biến động trong lòng người

- Cảm nhận sang thu được chuyển tải bằng thể thơ năm chữ, ngôn ngữ giàu sức biểu cảm, hình ảnh thơ lãng mạn, lối nhân hóa liên tưởng thú vị

Giới thiệu về Hữu Thỉnh và Chiều sông Thương

 Nguyễn Hữu Thỉnh có bút danh là Hữu Thỉnh, sinh năm 1942, quê ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 21 tuổi, ông gia nhập quân đội, là chiến sĩ của binh chủng Tăng – Thiết giáp. Cụộc đời binh nghiệp đã khơi dậy một hồn thơ chiến sĩ. Ông có viết trường ca, nhưng người đọc chú ý nhiều ở những bài thơ ngũ ngôn như "Sang thu", "Chiều sông Thương", v.v ...

   Cảm xúc bâng khuâng, nhẹ nhàng, thoáng hiện. Một số hình ảnh ẩn dụ đẹp, sáng tạo, thi vị. Đó là ấn tượng về dư vị văn chương khi ta đọc tập thơ "Từ chiến hào tới thành phố" của Hữu Thỉnh.

   Bài thơ "Chiều sông Thương" được Hữu Thỉnh sáng tác vào tháng 10 năm 1973, in trong tập thơ 'Từ chiến hào tới thành phố" ....

   Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp thơ mộng, yên bình và sức sống của miền quê Quan họ bên dòng sông Thương, nói lên nỗi niềm bâng khuâng của người đi xa về "thăm quê nhà một chiều thư êm ái".

Nguồn: vietjack