Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Bài 38-39. Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở động vật

Bài 38-39. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN Ở ĐỘNG VẬT

Sinh trưởng và phát triển của mỗi loài, mỗi cá thể động vật trước tiên so nhân tố di truyền quyết định. Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật có thể chia thành các nhân tố bên trong và các nhân tố bên ngoài.

I. NHÂN TỐ BÊN TRONG

 1. Nhân tố di truyền

- Yếu tố gen di truyền quy định tuổi thọ, tốc độ lớn, khối lượng, kích thước mỗi loài và mỗi cá thể.

2. Giới tính

- Cùng trong một loài nhưng kích thước, khối lượng, tốc độ lớn, tuổi thọ của con cái thường khác con đực. (Giới tính cũng do gen di truyền quy định)

3. Các hooc môn ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển

a. Của động vật có xương sống

* Hooc môn sinh trưởng GH:

- Do tuyến yên tiết ra.

- Kích thích phân chia tế bào và tăng kích thước tế bào. Kích thích xương phát triển. Nếu thiếu GH sec gây bệnh lùn bẩm sinh, nếu thừa sẽ gây bệnh cao khổng lồ.

* Tiroxin:

- Do tuyến giáp tiết ra.

- Kích thích quá trình sinh trưởng và phát triển bình thường của cơ thể. Nếu thiếu tirozin sẽ gây bệnh đần độn kèm bướu cổ ở trẻ em, ếch thiếu tirozin sẽ không biến thái được. Nếu thừa tirozin sẽ gây bệnh Bazơđô ở người lớn, làm trẻ em lớn quá nhanh.

* Ơstrogen, Testosteron:

- Do tinh hoàn và buồng trứng tiết ra.

- Kích thích sinh trưởng và phát triển ở giai đoạn dậy thì nhờ: tăng phát triển xương, kích thích phân hóa tế bào để hình thành các đặc tính sinh dục phụ thứ cấp. Nếu thiếu các hoocmon này thì sẽ không dậy thì, nữ thiếu ơstrogen sẽ dễ dẫn đến Nam hóa, nam thiếu testosteron dễ bị nữ hóa. Nếu thừa thì sẽ làm dậy thì sớm.

- Riêng Testosteron còn làm tăng mạnh tổng hợp prôtêin, phát triển mạnh cơ bắp.

b. Của động vật không xương sống

- Hai hooc môn ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của côn trùng là ecđixơn và juvenin.

+ Ecđixơn: gây lột xác ở sâu bướm, kích thích sâu biến thành nhộng và bướm. Nếu thừa ecđixơn sẽ làm sâu biến thái sớm, nếu thiếu sẽ làm sâu không lột xác được.

+ Juvenin: phối hợp với ecđixơn gây lột xác ở sâu bướm ức chế quá trình sâu biến đổi thành nhộng và bướm. Nếu thừa Juvenin sẽ làm sâu không hóa nhộng và bướm được, nếu thiếu thì sâu không lột xác được.

II. ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC NHÂN TỐ BÊN NGOÀI

1. Nhân tố thức ăn.

- Thức ăn là nhân tố quan trọng gây ảnh hưởng mạnh nhất đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của động vật qua các giai đoạn.

- Ví dụ: Thiếu protein, động vật chậm lớn, gầy yếu và dễ mắc bệnh.

2. Nhiệt độ

- Mỗi loài động vật sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ môi trường thích hợp.

- Nhiệt độ quá cao hay quá thấp đều làm chậm quá trình sinh trưởng và phát triển ở động vật.

- Căn cứ vào sự phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường chia động vật thành 2 nhóm: động vật biến nhiệt và động vật đẳng nhiệt.

+ Động vật biến nhiệt: có nhiệt độ cơ thể (thân nhiệt) phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường nên chịu tác động mạnh khi nhiệt độ môi trường biến thiên mạnh, gồm các động vật không xương sống và động vật thuộc lớp cá, lưỡng cư, bò sát,.. Khi nhiệt độ môi trường là 16-18oC thì cá rô phi ngừng lớn và ngằng đẻ.

+ Động vật đẳng nhiệt: có thân nhiệt ổn định hơn, ít phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường hơn, gồm: các động vật thuộc lớp Chim và lớp Thú.

3. Ánh sáng

- Trời rét làm cho động vật mất nhiều nhiêt nên động vật phơi nắng để thu nhiệt và giảm mất nhiệt.

- Tia tử ngoại tác dụng lên da biến tiền vitamin D thành vitamin D có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa canxi. Thiếu vitamin D trẻ em thường bị còi cọc.

 

III. MỘT SỐ BIỆN PHÁP ĐIỀU KHIỂN SỰ SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN Ở ĐỘNG VẬT VÀ NGƯỜI:

1. Cải tạo giống

- Chọn lọc nhân tạo: Nhằm tạo ra những giống vật nuôi cho năng suất cao nhất, trong thời gian ngắn nhất.

- Lai giống: lai giữa giống địa phương và các giống nhập ngoại để tạo ra các giống vừa có năng suất cao, vừa thích nghi tốt điều kiện môi trường địa phương

2. Cải thiện môi trường sống của động vật

- Mục đích: làm thay đổi tốc độ sinh trưởng và phát triển của vật nuôi.

- Biện pháp:

+ Có các chế độ ăn thích hợp với động vật nuôi trong các giai đoạn sinh trưởng và phát triển khác nhau (khi mang thai, con non, ...)

+ Chuẩn bị chuồng trại ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè, tắm cho động vật để động vật không mắc bệnh và không tốn năng lượng cho điều hòa thân nhiệt khi trời nóng.

+ Tiêm phòng các bệnh thường gặp cho vật nuôi.

3. Cải thiện chất lượng dân số

- Thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.

- Nâng cao đời sống, cải thiện chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể thao, ..

- Tư vấn di truyền, phát hiện sớm các đột biến trong phát triển phôi thai.

- Bảo vệ môi trường, hạn chế làm ô nhiễm môi trường.

- Chống lạm dụng các chất kích thích, ma túy, rượu bia, thuốc lá,...

Bài tập

Có thể bạn quan tâm



Có thể bạn quan tâm