Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia

Lý thuyết
Mục lục
* * * * *

Bài mẫu 1:

Kể về việc làm tốt của bạn: Hoàng nhặt được ví và trả lại cho người bị mất

Hướng dẫn giải

  Nhân dịp kỉ niệm 120 năm ngày sinh nhật Bác, trường em đã phát động phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Do đó, ai cũng hăng hái học tập và tham gia các hoạt động của trường. Và trong một lần tham gia sinh hoạt đội, Hoàng đã làm được một việc tốt được thầy cô khen ngợi đó là nhặt được chiếc ví của người mất và đã trả lại cho họ.

  Vào chiều thứ 6 tuần qua, toàn trường tổ chức sinh hoạt đội để nghe các bác cựu chiến binh kể chuyện về Bác Hồ. Đúng 4 giờ 30 phút, một hồi trống trường vang lên, tất cả các bạn học sinh từ các lớp đổ ra tập trung vào sân trường. Hoàng và Hải cũng vội vàng cất sách vở vào cặp và ra tập trung. Đang vội vã chạy, bỗng Hoàng thấy một chiếc ví nằm ở dưới đất ngay bồn hoa của lớp mình. Hoàng vội cầm lên giở ra thì thấy trong ví có một khoản tiền kha khá và một chiếc thẻ ngân hàng có ghi tên Trịnh Bá Quân. Hoàng chạy lại nói với Hải:

-Tớ vừa nhặt được chiếc ví trong đó có nhiều tiền lắm

Hải vừa ngạc nhiên vừa hí hửng nói:

-Thích nhỉ, thế tý về phải khao tớ ăn kem đấy.

Hoàng vừa suy nghĩ vừa nói:

- Không được, tớ nghĩ tớ phải tìm cách trả lại cho người mất. Vì chắc giờ họ cũng đang buồn lắm đấy.

Hải bĩu môi:

- Ôi giời ôi, bao nhiêu là người biết là của ai. Mình nhặt được thì mình dùng sao đâu, có phải mình ăn cắp đâu mà sợ.

Đang bàn cãi thì tiếng loa cô phụ trách đội vang lên thúc dục các bạn khẩn trương vào vị trí. Bỏ qua chuyện chiếc ví, Hải và Hoàng chạy vội vào hàng của lớp mình.

Trước khi bước vào buổi sinh hoạt, cô phụ trách đội có thông báo với toàn trường, bác Trịnh Bá Quân cựu chiến binh của phường là khách mời hôm nay của trường không may đánh rơi một chiếc ví. Ai có nhặt được thì cho bác Quân xin lại.

Cô vừa dứt lời, Hoàng vội vàng đứng dậy và tiến thẳng lên chỗ phía cô và nói:

- Thưa cô, lúc nãy ra tập trung, em có nhặt được chiệc ví ở ngay bồn hoa lớp em. Em xin gửi lại cô nhờ cô gửi lại cho bác Quân ạ!

Cả trường đồng thanh vỗ tay, bác Quân cũng tiến lại gần xoa đầu Hoàng và không quên gửi lời cảm ơn đến Hoàng. Hoàng quay trở lại chỗ ngồi với một một nụ cười tươi trên môi.

   Qua câu chuyện trên, em thấy Hoàng là một học sinh rất ngoan, vâng lời thầy cô và bố mẹ. Nhặt được của rơi, Hoàng tìm cách trả lại cho người mất chứ không giữ cho riêng mình. Hoàng xứng đáng là một tấm gương sáng để các bạn noi theo, xứng đáng là cháu ngoan của Bác Hồ.

Bài mẫu 2:

Kể về một việc làm tốt của bạn: Nam giúp đỡ bà cụ đi trên đường

Hướng dẫn giải

   Hôm qua là ngày đến phiên Nam làm trực nhật. Nhưng Nam đã không hoàn thành tốt nhiệm vụ trực nhật của mình, ấy vậy mà Nam không những không bị phê bình mà còn được biểu dương nữa. Bởi Nam đã làm được một việc làm tốt, giúp đỡ cụ già mà Nam gặp trên đường.

   Hôm qua, do ảnh hưởng của dãy áp thấp nên trời mưa dầm dề suốt cả ngày. Nam vẫn phải thức dậy lọ mọ chuẩn bị đồ đến lớp làm trực nhật. Nam mặc áo mưa, xắn quần đến đầu gối, chần thấp chân cao bước trên con đường nhão nhoét đầy bùn đất, ổ voi ổ gà sũng nước. Chợt Nam nhìn thấy từ xa một cụ đã cao tuổi, vất vả chống chiếc gậy mò mẫm từng bước đi trong mưa. Nam vội đi lại chỗ cụ, lễ phép hỏi:

- Bà ơi, bà có việc gì mà lại đi giữa trời mưa thế này ạ?

Bà cụ ngước lên, tay lau nước mưa nhìn Nam, móm mém cười:

- À, đứa con gái của bà ở làng bên bị ốm, chống đi công tác xa, nhà chỉ có mỗi hai mẹ con. Bà lo quá nên sang xem sao.

Nam vừa ngoảnh lại nhìn con đường đi sang làng bên vừa suy nghĩ. Đường đi còn xa và khó khăn quá, nếu để cụ đi một mình nhỡ có chuyện gì thì sao? Nhưng nếu mình đưa cụ đi ai sẽ làm trực nhật cho mình, nếu thế cô giáo sẽ phạt mình. Nhưng lúc đó, Nam lại nghĩ đến câu nói của mẹ, khi mình làm được việc tốt mình sẽ cảm thấy vui. Thế rồi, không cần suy nghĩ, Nam nhoẻn cười và nói với cụ:

- Bà ơi, đường từ đây sang làng bên xa lắm. Hay bây giờ, bà vịn vào tay cháu, cháu đưa bà sang làng bên nhé!

Bà cụ mừng rỡ:

- Bà cũng đang lo, đường trơn quá, lỡ ngã thì khổ lắm. May quá, có cháu giúp bà rồi.

Thế là Nam dìu bà đi từ từ sang bên làng bên. Trên đường đi, bà vừa đi vừa hỏi thăm Nam, vừa kể chuyện về người con gái của bà. Đi chừng hơn 30 phút, Nam đã đưa cụ tới nhà của cô con gái. Nam lễ phép chào cụ và đi tới trường.

Nhìn đồng hồ Nam vừa lẩm bẩm: Lần này thì xong rồi, cô giáo sẽ phạt mình vì tội không làm vệ sinh rồi còn đi muộn nữa. Càng nghĩ, Nam càng đạp xe nhanh hơn. Nhưng trống đã điểm vào lớp, Nam lóc cóc dắt xe vào bãi rồi đi vào lớp.

Vừa đến cửa lớp, chưa kịp xin, cô giáo đã lên tiếng:

- Nam hôm nay em không những không làm vệ sinh mà còn đến muôn hơn 30 phút. Cô phạt em lên phòng bảo vệ viết bản tường trình xong về nộp cho cô.

Nét mặt đang vui tươi lúc nãy bỗng chùng xuống, Nam xin phép cô rồi đi viết bản tường trình. Trong đó, Nam có nêu rõ nguyên nhân mình không làm vệ sinh và còn đi học muộn. Sau đó, Nam quay về lớp nộp cho cô giáo. Đọc bản tường trình, nét mặt cô giáo cũng thay đổi. Cô tiến lại gần Nam và nói:

- Cô xin lỗi, em không đáng bị phạt mà em xứng đáng được khen ngợi. Em vào lớp đi.

Nam cảm ơn cô và đi vào chỗ ngồi.

Cả lớp đang hoang mang không biết chuyện gì. Cô giáo mới kể lại câu chuyện của Nam. Không nói gì, mọi người nhìn nhau vỗ tay tán thưởng Nam. Nét mặt Nam lại vui vẻ như trước.

   Qua câu chuyện trên em thấy, Nam là một bạn học sinh ngoan ngoãn, biết giúp đỡ người lớn tuổi. Bạn xứng đáng được thầy cô và các bạn khen ngợi và là tấm gương sáng để mọi người noi theo.

Bài mẫu 3:

Kể về một việc làm tốt của bạn: Thủy giúp em bé bị lạc tìm mẹ

Hướng dẫn giải

   Thủy là một người bạn chơi với em từ nhỏ. Hàng ngày hai đứa cùng vui chơi cùng đi học với nhau. Từ trước đến nay, Thủy vẫn luôn là cô bé ngoan ngoãn, chăm học và luôn giúp đỡ mọi người. Có rất nhiều câu chuyện hay về Thủy, nhưng mới đây nhất em ấn tượng bởi câu chuyện Thủy  giúp em bé bị lạc tìm mẹ khiến em càng yêu quý Thủy hơn.

   Hôm đó, tan học tôi và Thủy còn rủ nhau ở lại làm nốt mấy bài toán khó vì sợ về nhà không có người trao đổi sẽ không làm được. Bởi vậy ra khỏi trường đã gần 12 giờ trưa, vừa đói vừa mệt, tôi chỉ muốn mau chóng về đến nhà để được ngồi vào mâm đánh chén một bữa no nê, ngủ một giấc chiều còn đi học tiếp.

Buổi trưa, trời nắng, nóng nên đường vắng tanh, tôi và Thủy mải miết đi về phía nhà mình. Bỗng từ xa, chúng tôi thấy một em bé đứng ở giữa đường khóc và gọi mẹ. Lúc đó, Thủy bảo tôi đợi ở gốc cây rồi cô ấy chạy lại gần chỗ em bé và hỏi:

- Làm sao mà em lại khóc? Sao em lại đứng ở giữa trời nắng như vậy?

Đứa bé không trả lời mà càng khóc to hơn.

Từ xa tôi gọi Thủy nhanh đi về nhà nghỉ. Còn Thủy vẫn kiên nhẫn dỗ dành em và hỏi lại. Lần này, em bé ngoan ngoãn trả lời:

- Em đi chơi nên bị lạc mất đường về. Em sợ lắm. Em muốn về với mẹ.

Thủy thấy thương nó quá nhưng biết nó là con nhà ai mà đưa về bây giờ. Thủy hỏi tiếp:

- Thế mẹ em tên gì? Nhà em ở đâu để chị đưa về?

Nghe Thủy nói vậy thằng bé mừng lắm nhưng vẫn còn mếu máo:

- Chị nói thật đấy nhé! Mẹ em tên là Lan, nhà em ở mãi đằng kia kìa...

Thủy lại hỏi:

- Thế nhà em ở ngõ nào, em có biết không?

Em bé lắc đầu và nói:

- Em không nhớ đâu.

Nói xong cậu bé lại oà khóc và gọi: Mẹ ơi! Mẹ ơi!

Thủy lại phải dỗ dành:

- Em nín đi, đừng khóc nữa chị sẽ đưa em về với mẹ. Chị em mình vừa đi vừa hỏi vậy.

Nói xong, Thủy ngoảnh lại nói với tôi:

- Hà về trước đi, Thủy phải đưa em nhỏ này đi tìm mẹ đã. Để em vậy tội nghiệp lắm.

Đứng đợi giữa cái nắng gắt, tôi gắt lên với Thủy:

- Bên đường có phường công an đấy, hay mình đưa em bé sang đó nhờ các chú ông an tìm để mình về chiều còn đi học.

Thủy ngần ngại và nói:

- Em ấy bảo nhà em ấy đằng kia, nên Thủy nghĩ nên đưa em ấy về, đưa em ấy vào phường công an sẽ làm em ấy sợ hơn lại khóc nhiều hơn đấy.

Thế là tôi miễn cưỡng cùngThủy đưa em ấy đi tìm mẹ. Cũng may, đi được một đoạn, chúng tôi gặp được cô hàng xóm của em bé đi qua. Cô mới chỉ địa chỉ nhà em cho chúng tôi biết. Vậy là chúng tôi nhanh chóng tìm được nhà cho em. Mẹ em bé tìm được con vui mừng không xiết và cảm ơn rối rít.

Chúng tôi xin phép ra về, trên đừng đi tôi cảm thấy hơi ngại với câu nói lúc nãy của mình, và cảm thấy vui vì có người bạn như Thủy.

   Cho đến lúc này, tôi vẫn luôn luôn quý trọng Thủy. Một cô bạn xinh xắn, ngoan ngoãn lại học giỏi. Từ khi quen Thủy, tôi nhận thấy mình đã học được từ Thủy rất nhiều điều. Hi vọng, Thủy sẽ mãi là người bạn tốt của mình.

Bài mẫu 4:

Kể về một việc làm tốt của bạn: Hùng giúp kiểm lâm bắt tội phạm chặt phá rừng

Hướng dẫn giải

   Hùng và tôi đều là những học sinh ở miền núi, mỗi ngày sau khi tan học, chúng tôi lại cùng một số bạn đi lên núi tìm măng phụ bố mẹ. Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng Hùng luôn sống đúng với cái tên của mình, luôn mạnh mẽ và giúp đỡ người khác. Mới đây nhất, Hùng đã giúp các chú kiểm lâm bắt bọn buôn lậu gỗ ở trong rừng.

   Hôm đó, tôi, Hùng và Bảo rủ nhau ở lại làm vệ sinh lớp sạch sẽ rồi về vì mai đến phiên chúng tôi trực nhật, vì sáng sớm trời lạnh sợ đến muộn nên chúng tôi làm trước. Sau khi làm sạch sẽ, chúng tôi cùng nhau về nhà.

Lúc này, trời cũng đã xẩm tối, chúng tôi đang vừa đi vừa đùa giỡn với nhau thì bỗng từ phía sau có tiếng còi xe ô tô tải kêu inh ỏi. Chúng tôi ngoảnh lại, đèn pha chiếu lóa mắt, chiếc xe chạy ào ào nhanh chóng vụt qua chúng tôi để lại một bầu trời bụi đường mù mịt.

Bỗng Hùng lên tiếng:

- Tại sao giờ này, xe tải còn đi vào rừng làm gì nhỉ? Hay là bọn buôn lậu gỗ.

Bảo lên tiếng:

- Úi giời, kệ nó thôi, mình có đi theo được đâu mà biết

Rồi Hùng bỗng nảy ra ý định:

- Hay chúng mình đi theo tìm hiểu xem sao đi, biết đâu là bọn buôn lậu gỗ.

Tôi và Bảo hốt hoảng đáp lại:

- Thôi, trẻ con mình làm được gì, chỉ tội nguy hiểm thêm thôi. Tốt nhất nên về đánh chén và ngủ một giấc mai còn đi học sớm.

Hùng vội đáp lại:

- Tụi mình chỉ bí mật đi theo xem nó làm gì thôi, nếu bọn buôn lậu thật mình sẽ báo kiểm lâm. Vì tớ nghe bố mẹ tớ nói, dạo này rừng bị chặt phá mạnh lắm.

Thấy Hùng vẫn cương quyết nên tôi và Bảo cũng đồng ý đi theo.

Qủa đúng như vậy, đi theo con đường vào rừng, chúng tôi thấy bọn chúng đang vận chuyển gỗ lên xe. Những tảng gỗ lớn đang được hàng chục người bốc lên xe trong sự thúc dục và quát mắng của thằng cầm đầu:

- Nhanh cái tay lên, bọn mày làm ăn chậm chạp như thế này, bị tóm là cả lũ ngồi nhà đá đấy. Nhanh lên.

Không chần chừ nữa, Hùng bảo chúng tôi úp sau lùm cây theo dõi, Hùng sẽ chạy về báo với đội kiểm lâm.

Hớt hải chạy đến cổng, Hùng vừa thở vừa nói:

- Thưa chú, trong rừng đang có kẻ vận chuyển gỗ lậu.

Chú kiểm lâm không tin và cho là Hùng bịa đặt, vì chú nghĩ rằng chú vẫn ngồi gác nãy giờ nhưng làm gì có xe nào đi vào.

Nhưng Hùng đã năn nỉ mong chú tin một lần, bọn đó đi qua đường làng vào chứ không đi đường chính và giờ chúng đang vận chuyển, nếu các chú không đi nhanh bọn chúng sẽ tẩu thoát.

Tạm tin hùng, chú kiểm lâm kêu gọi các thành viên còn lại, nhanh chóng đi theo sự chỉ dẫn của Hùng. Đến nơi, chú tin những điều Hùng nói là thật. Chú nói Hùng và chúng tôi ẩn đi chỗ khác kín hơn để các chú làm nhiệm vụ. Chúng tôi nghe lời và lùi ra phía sau một đoạn. Chú đội trưởng vội liên hệ với đội cảnh sát địa phương phối hợp bắt kẻ buôn lậu. Bị ập đến bất ngờ, bọn buôn lậu không thể trở tay và nhanh chóng bị tóm gọn.

Hôm sau, các chú đã đến nhà chúng tôi tuyên dương và trao mỗi đứa một phần quà nhỏ. Tôi và Bảo cảm thấy hơi ngại và cảm thấy khâm phục và kính nể Hùng.

   Tôi chơi thân với Hùng từ nhỏ, mỗi câu chuyện và hành động của Hùng đều là những bài học cho tôi noi theo. Tôi cảm thấy tự hào khi có một người bạn như Hùng. Hùng xứng đáng là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Bài mẫu 5:

Kể về một việc làm tốt của bạn: Định trả lại túi tiền cho người bị mất

Hướng dẫn giải

   Hàng ngày, tôi đều nghe trên vô tuyến có những bài khen ngợi về những gương người tốt việc tốt. Và chỉ mới hôm qua đây thôi, tôi đã tự mình chứng kiến một sự việc làm như vậy. Định đã làm một hành động cao cả đó là gửi lại túi tiền nhận được cho người bị mất.

   Một buổi trưa tan học, Định, tôi và mấy bạn cùng đi về, vì là ngày thứ bảy nên chẳng vội vàng, cả nhóm cứ lững thững vừa đi vừa nói chuyện cho vui.

Bỗng chúng tôi thấy một cái gói chẳng biết của ai nằm sát bên mé lộ. Tôi và các bạn khác bỏ đi, nhưng Định lại tò mò đã dùng chân hất thử thì cảm nhận được cái gói đựng gì đó cứng cứng lại nặng nặng. Định mở ra: Ôi tiền, mấy xấp tiền 500 nghìn dày cộm còn mới nguyên. Đứa nào, đứa nấy tròn xoe mắt, nhìn đầu đường, cuối đường chẳng có ai có vẻ là bị mất tiền và đang đi kiếm cả. Đường thì vắng hoe.

Các bạn nhìn nhau rồi toan tính:

- Thôi chia đều ra đi, mỗi đứa môt phần. Với gói tiền to như vậy mà mỗi người một phần, phần tiền ấy cũng to lắm cơ.

Đồng ý nghĩ với các bạn, tôi mừng thầm trong bụng. Bố mẹ tôi đi làm suốt tháng, lương lãnh chắc cũng cớ tầm đó. Bao dự tính chi xài thoáng qua trọng đầu óc tôi. Tôi mơ màng chìm trong suy nghĩ về cách tiêu xài số tiền nhận được…

Nhưng tôi, bị chững lại bởi câu nói của Định:

- Không biết người mất tiền đó là ai, giàu hay nghèo? Chắc giờ này họ cũng đang hối hả đi tìm và đau khổ lắm đây.

Tôi thấy mình tham lam và ích kỉ quá. Nên tôi lặng im không nói điều gì.

Các bạn khác định mở dây chun chia tiền thì Định cản lại:

- Thôi các bạn. Đây đâu phải tiền của chúng ta mà chia. Nên trả lại cho người đánh rơi đi.

Tôi cũng lên tiếng:

- Định nói đúng rồi đấy, chúng ta nên tìm chủ nhân của túi tiền và trả lại đi, biết đâu họ cũng như bố mẹ chúng ta phải tích góp từng đồng một.

Bạn khác gắt gỏng:

- Mình lượm chứ bộ ăn cắp đâu. Biết đâu mà trả, mình cứ chia đi.

Định và tôi vẫn cương quyết:

- Không được, thầy cô dạy, tham của người là xấu lắm các bạn. Không biết của ai thì mình nộp cho công an, lo gì.

Các bạn trù trừ rồi cùng dần đồng ý. Thế là chúng tôi ôm gói tiền đến đồn công an phường gần đó.

Tại đồn, chú công an khen ngợi chúng tôi. Định xin phép ra về thì chúng tôi thấy mẹ Hạnh (một bạn trong nhóm đi cùng) hớt hải mặt tái mét đến trình báo với chú công an. Chúng tôi ai cũng há hốc khi biết chủ nhân túi tiền đó chính là mẹ của Hạnh. Nhận lại được túi tiền, mẹ Hạnh cảm ơn rối rít chúng tôi và mời chúng tôi về nhà Hạnh chơi.

Hôm sau đi học, Hạnh có mang ít bánh kẹo và trái cây gửi tặng chúng tôi và tỏ ra ngại ngùng vì mình cũng là một trong những người đòi chia số tiền đó. Chúng tôi vui vẻ nhận quà rồi chia cho các bạn trong lớp cùng ăn.

   Có lẽ, câu chuyện trên là một câu chuyện sẽ khiến tôi và các bạn nhớ mãi trong cuộc đời này. Không phải vì đó là một việc làm tốt mà thông qua việc làm đó cho chúng ta một bài học lớn là nhặt được của rơi thì nên đem trả lại cho người nhận bởi biết đâu đó lại là những món đồ của những người thân xung quanh mình.

Bài mẫu 6:

Kể về một việc làm tốt của bạn: Hằng ngăn cản người xấu vứt rác xuông hồ để bảo vệ môi trường

Hướng dẫn giải

   Thường ngày, chúng ta bắt gặp được rất nhiều việc làm tốt và cũng có những việc làm xấu. Mới đây, có một việc làm mà em cảm thấy nể phục bạn Hằng đó chính là Hằng đã ngăn cản người xấu vứt rác xuống hồ để bảo vệ môi trường.

   Câu chuyện bắt đầu vào một buổi sáng nọ, khi mặt trời vừa lên. Em và Hằng cùng nhau đạp xe đến trường.  Chúng em vừa đi vừa hít thở không khí đồng quê ngày sáng sớm vô cùng mát mẻ và trong lành. Bỗng, chúng em nghe một tiếng “bịch” dưới góc đê. Dừng lại ngoảnh xuống, em và Hằng thấy một túi rác lớn nằm chỏng chơ mép nước, hình như trong đó có cả con lợn bé.

Đích thị là ông ấy vừa mới vứt xuống, sao vô ý thức thế không biết. Hằng vừa lẩm bẩm vừa hì hục chạy lại gẫn chỗ anh thanh niên ấy và nói:

- Anh gì ơi!

Người đàn ông nghe Hằng gọi, liền tắt máy chiếc xe honda của mình, hỏi:

- Có chuyện gì không cô bé?

Hằng đáp:

- Anh ơi, anh không thể vứt xác chết động vật bừa bãi như thế, sẽ gây ô nhiễm môi trường đấy! Ấy là chưa kể khi nắng lên, cái thứ này sẽ bốc mùi kinh khủng. Đoạn đường này lắm người qua lại, nhiều nhất là chúng em đi học về. Vì vậy nên anh phải lấy cái bao này đi ngay,

Hằng vừa dứt lời, người ấy liền quay lại, mắng như tát nước vào mặt:

- Đồ thứ con nít mà đòi dạy đời. Sao mày láo thế? Tao vứt ở đê chứ tao có vứt vào nhà mày đâu mà ý kiến. Trẻ con gì mà lắm lời.

Nói rồi, anh ta rồ ga, định phóng đi. Quyết không để hắn đi khi xác con heo còn nằm đấy. Hằng vội chặn đầu anh ta lại, nói:

- Nếu anh mà không lấy cái thứ thối tha đó đem đi thì em sẽ kêu mọi người tới đấy, anh nên biết đây là một việc làm không tốt đẹp mấy, nếu như mọi người mà biết thì không để yên cho anh đâu. Anh hãy đem con heo này chôn vào một cái hố nào đấy hay là bất cứ thứ gì cũng được, miễn sao đừng làm ô nhiễm môi trường và làm phiền những người xung quanh là tốt rồi. Nên mong anh chở cái bao này đi cho.

Vừa nói, Hằng vừa chạy ra đường, làm điệu bộ như nếu cần, cô ấy sẽ sẵn sàng kêu cả làng ra xem. Người đàn ông nhìn Hằng với vẻ tức giận và cay cú nhặt túi rác lên và rồ xe đi.

   Khi xe anh ấy vừa đi khuất, Hằng cũng lại chỗ xe rồi hai đứa lại tiếp tục trên đường. Vừa đi e vừa thầm nghĩ, Hằng quả là một cô gái can đảm, lại có ý thức bảo vệ môi trường. Thật đáng khâm phục bạn.

Có thể bạn quan tâm