Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Viếng lăng Bác

Lý thuyết
Mục lục
* * * * *

Câu 1: trang 60 sgk Ngữ văn 9 tập 2

Đọc nhiều lần bài thơ, tìm hiểu cảm xúc bao trùm của tác giả và trình tự biểu hiện trong bài

Hướng dẫn giải

Cảm hứng bao trùm bài thơ: Bài thơ là niềm xúc động thành kính, lòng biết ơn của tác giả đối với Bác khi thăm lăng Bác nói riêng và cũng là những tình cảm của người dân đối với Bác nói chung. Cảm hứng ấy đã chi phôi giọng điệu của bài thơ. Đó là giọng thành kính trang nghiêm phù hợp với không khí thiêng liêng ở lăng, nơi vị lãnh tụ yên nghỉ.
Trình tự biểu hiện của bài thơ theo trình tự của cuộc vào lăng viếng Bác:

  • Đầu tiên là cảnh ở bên ngoài lăng với hình ảnh đậm nét nhất là hàng tre trong sương sớm.
  • Tiếp đến gần hơn là hình ảnh đoàn người xếp hàng vào lăng viếng Bác.
  • Tiếp theo là cảm xúc và những suy ngẫm của tác giả khi đã bước vào ở trong lăng được ngắm nhìn Bác.
  • Cuối cùng là niềm mong uớc tha thiết của tác giả muốn ở bên Bác mãi mãi khi cuộc thăm lăng kết thúc, khi sắp trở về quê hương.

Câu 2: trang 60 sgk Ngữ văn 9 tập 2

Phân tích hình ảnh hàng tre bên lăng Bác được miêu tả ở khổ thơ đầu. Tác giả đã làm nổi bật những nét nào của cây tre và điều đó mang ý nghĩa ẩn dụ như thế nào? Câu thơ cuối bài trở lại hình ảnh của cây tre đã bổ sung thêm phương diện ý nghĩa gì nữa của hình ảnh cây tre Việt Nam?

Hướng dẫn giải

Hình ảnh hàng tre trong khổ thơ đầu:

Ngay khi đến Lăng Bác ấn tượng đầu tiên đối với tác giả là hình ảnh hàng tre xanh chờn vờn trong sương sớm. Hình ảnh tre mang nhiều ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc. Tre là một loại cây rất bình dị lại được trồng ngay ở giữa Thủ đô lộng lẫy uy nghi, cùng với bao loại cây quý hiếm khác trước lăng Bác. Phải chăng đó là sự ẩn dụ về con người của Bác giản dị mà vô cùng thanh cao. Không những thế hình ảnh tre còn biểu tượng cho hình ảnh giản dị mộc mạc nơi làng quê thanh bình yên tĩnh.Tre còn là hình ảnh biểu tượng cho tính cách của dân tộc Việt Nam: anh dũng, quật cường sức sống bền bỉ dẻo dai “bão táp mưa sa vẫn đứng thẳng hàng”. 

Hình ảnh cây tre ở khổ cuối:

Hình ảnh hàng tre hiên ngang quanh lăng Bác mở đầu và cũng là kết thức bài thơ, thế nhưng ở cuối bài nó mang một ý nghĩa khác nhau tạo ra đầu cuối có sự tương ứng, làm đậm nét hình ảnh. Nhưng cây tre ở đây lại mang nét nghĩa mới, nó tượng trưng cho tấm lòng trung hiếu của con cháu đối đất nước, đối với Bác quyết đi theo con đường mà Bác đã lựa chọn. Và phải chăng đó còn là hình ảnh những người lính cảnh vệ đang canh giấc ngủ bình yên cho Bác mà nhà thơ Viễn Phương muốn gởi gắm.

Câu 3: trang 60 sgk Ngữ văn 9 tập 2

Tình cảm của nhà thơ và của mọi người đối với Bác đã được thể hiện như thế nào trong các khổ thơ 2, 3, 4? Chú ý phân tích những hình ảnh ẩn dụ đặc sắc trong các khổ thơ này.

Hướng dẫn giải

Những câu thơ trong bài thể iện niềm xúc động, sự thành kính nhớ thương của tác giả dành cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Lòng thành kính của tác giả thể hiện ở những câu thơ:

Ngày ngày mặt trời đi qua trong lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

 Sự tôn kính của nhà thơ và mọi người đối với Bác đã được thể hiện qua phép ẩn dụ đặc sắc. Mặt trời của thiên nhiên đem ánh sáng xua tan đêm tối, mang tới sự sống cho muôn loài. Hình ảnh mặt trời trong : " mặt trời đi qua trong lăng" mang ý nghĩa thực. Đó là mặt trời của tự nhiên, mặt trời cung cấp ánh sáng duy trì sự sống cho con người. Nhưng đến với câu thơ thứ hai mặt trời không còn mang ý nghĩa tả thực nữa mà nó còn mang ý nghĩa ẩn dụ tượng trưng. Tác giả ví mặt trời ấy như Bác Hồ người đã đem lại ánh sáng, dẫn đường chỉ lối để nhân dân ta có cuộc sống ấm lo, thoát khỏi những ngày xiềng xích nô lệ đen tối. Cách ẩn dụ ở đây thật sinh động, tự nhiên và nhuần nhuyễn, không những nói lên sự vĩ đại của Bác (như mặt trời) mà còn thể hiện được sự tôn kính của nhân dân, của nhà thơ đối với Bác. Tác giả còn thể hiện sự tôn kính, niềm thương nhớ của nhân dân đối với Bác:

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim!

Hình ảnh Bác trong những vần thơ là vĩnh hằng, là bất tử.Trời xanh là vĩnh hằng cũng như tên tuổi và sự nghiệp của Bác sẽ sống mãi với dân tộc Việt Nam, dù cho Bác có đi xa nhưng trong triệu trái tim con người Việt Nam mỗi khi nhớ tới đều quặn thắt trái tim. Đó là nỗi mất mát lớn nhất trong lòng mỗi người dân chúng ta. Người vẫn mãi sống, bất tử trong lòng mỗi người.

Câu 4: trang 60 sgk Ngữ văn 9 tập 2

Nhận xét về sự thống nhất giữa nội dung tình cảm, cảm xúc và các yếu tố nghệ thuật (thể thơ, nhịp điệu, ngôn ngữ, hình ảnh) của bài thơ.

Hướng dẫn giải

  • Bài thơ có một giọng điệu thành kính trang nghiêm. Giọng điệu ấy hợp thành bởi nhiều yếu tô' từ thể thơ, nhịp điệu đến từ ngữ và hình ảnh của bài thơ.
  • Về thể thơ và nhịp điệu, nhà thơ sử dụng thể tự do có dòng bảy chữ, nhưng cũng có những dòng tám, chín chữ với nhịp chậm nhiều dòng ít ngắt nhịp lại gieo vần liền. Bởi thế mà giọng thơ thiết tha, trầm lắng, trang nghiêm thành kính.
  • Về từ ngữ và hình ảnh, nhà thơ sử dụng từ ngữ xưng hô tôn kính (Con . ở miền Nam ra thăm lăng Bác), với các hình ảnh ẩn dụ vĩnh hằng kì vĩ lớn lao biểu hiện lòng tôn kính chân thành của mình (Mặt trời trong lăng rất đỏ, vầng trăng sáng dịu hiền, kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân, trời xanh...).
  • Giữa nội dung tình cảm, cảm xúc và các yếu tố nghệ thuật rất phù hợp với nhau đều thể hiện sự trang nghiêm sâu lắng, niềm xót xa tự hào và sự đau đớn xót xa của tác giả khi đứng trước lăng Bác

Câu 2: Trang 60 - SGK Ngữ Văn 9 tập 2

Viết một đoạn văn bình khổ 2 hoặc khổ 3 của bài thơ Viếng lăng Bác

Hướng dẫn giải

Với nhiều người con miền Nam, không được gặp Bác lần cuối trước khi người đi xa là niềm tiếc nuối lớn nhất trong cuộc đời họ. Viễn Phương chính là một người con như thế. Năm 1976, sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vừa được khánh thành, ông đã ra thăm miền Bắc và vào lăng viếng Bác Hồ. Trong giây phút nghẹn ngào ấy, ông đã viết bài thơ Viếng lăng Bác như một lời tri ân gửi tới người cha già dân tộc. Và hẳn nhiên, nỗi đau đớn cũng được hiện hình trong từng dòng thơ của Viễn Phương:

"Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim!"

Thời điểm Viễn Phương tới viếng, Bác đã mất được 7 năm nhưng nỗi đau mất Bác vẫn chưa thể nguôi ngoai. Tác giả đã sử dụng lối nói giảm nói tránh cái chết của Bác thành "giấc ngủ bình yên"  trong "vầng trăng sáng dịu hiền" như một liều thuốc để giảm bớt nỗi đau trong tâm hồn mình. Mong muốn suốt cả cuộc đời của Bác là được nhìn thấy nhân dân hai miền sum vầy trong độc lập, tự do. Và giờ thì mong muốn của người đã trở thành hiện thực, Bác đã có thể ngủ yên trong giấc ngủ vĩnh hằng của mình. Biện pháp đối lập "Vẫn biết" - "Mà sao"  đã dựng nên một nghịch lý giữa cảm xúc và lý trí. Lý trí đã nhắc nhở Viễn Phương rằng Trời xanh là mãi mãi. Hình ảnh trời xanh là hình ảnh ẩn dụ cho những quy luật vỗn dĩ của cuộc đời, luôn tồn tại khách quan mặc kệ con người có muốn hay không, mây vẫn trôi lững lờ và trời vẫn xanh ngắt một màu bình yên. Ở đây, Viễn Phương biết quy luật của đời người mà ai cũng phải trải qua là sinh - lão - bệnh - tử và cái chết là điều không thể tránh khỏi, ai rồi cũng sẽ phải chết. Bác cũng không thể là một ngoại lệ. Nên việc Bác mất đi là điều hết sức bình thường, đúng theo cái vốn có của đời sống mà thôi. Lý trí đã nhận ra quy luật ấy, đã nhắc nhở Viễn Phương về điều ấy nhưng cảm xúc của ông lại không thể tuân theo sự điều khiển của lý trí. Bởi trong tim ông vẫn "nhói" lên một cái khi nghĩ tới Bác đã không còn. Nỗi đau quá lớn của dân tộc Việt Nam là mất đi một con người vĩ đại, một người cha nhân hậu như Bác. Vẫn biết cái chết của Bác sẽ là điều tất yếu nhưng trái tim vẫn đau đớn, đôi mắt vẫn đỏ hoe mỗi khi nhắc đến Người. Con người là vậy, cảm xúc nơi trái tim là thứ không thể điều khiển được, dù lý trí có mạnh mẽ đến đâu. Ta nào có thể ngăn trái tim mình dành tình cảm yêu thương cho một người? Ta cũng chẳng thể ngăn nổi trái tim cứ nhói từng cơn khi chứng kiến người ta thương yêu không còn bên cạnh ta nữa. Nếu lý trý lấn át cả trái tim rồi thì con người cũng chỉ là cỗ máy vô hồn, chạy theo một chương trình được lập trình sẵn mà thôi. Khổ thơ không chỉ là nỗi đau đớn tột cùng mà còn là lòng thành kính, niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ và mọi người đối với Bác Hồ khi vào lăng viếng Người.

Đề bài

Phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của tác giả Viễn Phương

Hướng dẫn giải

Bác Hồ - Vị cha già vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Đến tận những hơi thở cuối cùng, lòng Bác vẫn luôn đau đáu nỗi niềm thống nhất ba miền đất nước. Nhưng tiếc thay, khi Bắc Nam sum họp một nhà thì Bác không còn nữa. Lòng thương nhớ, nỗi niềm nhớ tới Bác của đồng bào và chiến sĩ miền Nam, cũng như toàn thể dân tộc dồn nén bao nhiêu năm đã được nhà thơ Viễn Phương thể hiện trong bài Viếng lăng Bác đầy xúc động. Bài thơ là tiếng nói, là nỗi niềm tâm sự của nhận dân Nam bộ và nhân dân cả nước dành cho Bác.

Sinh thời, Bác Hồ luôn luôn nghĩ đến miền Nam, ngày đêm thương nhớ miền Nam. Với Bác, miền Nam là niềm vui, là hạnh phúc, là nỗi đau không lúc nào nguôi: “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà” (Tố Hữu). Và tình cảm những nhân dân miền Nam dành cho Bác cũng như tình cảm của những người con dành cho cha của mình. “Miền Nam mong Bác nỗi mong cha” (Tố Hữu). Tự đáy lòng của người con đến thăm cha, Viễn Phương nói với Bác:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp Mưa sa đứng thẳng hàng”

Từ chiến trường miền Nam, nhà thơ Viễn Phương mang theo bao tình cảm thắm thiết của đồng bào và chiến ra viếng lăng Bác Hồ kính yêu. Lời xưng hô con-Bác thật thân mật gần gũi giữa cha với con. Lời xưng hô ấy là lời chào giới thiệu đứa con ở miền Nam ra thăm lăng Bác. “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” -  Câu thơ giản dị nhưng bao hàm một ý nghĩa lớn. Trong tim Bác và trong tim miền Bắc, Miền Nam luôn luôn là nỗi đau chia cắt, nỗi nhớ thương, là niềm tự hào, là biểu tượng anh hùng, bất khuất, dũng cảm, kiên cường, là thành đồng Tổ Quốc… Giờ đây, nhà thơ mang theo cả niềm tự hào đó của đồng bào miền Nam để đến với Bác. Cách nói giảm nói tránh “ thăm lăng Bác” dường như đối với tác giả Bác vẫn còn sống mãi để giờ đây người con vượt ngàn đường  xa xôi để ra thăm cha.

Từ xa, trong cái mênh mang sương mù của một ngày mùa thu Hà Nội, nhà thơ đã nhìn thấy hàng tre ẩn hiện trong sương khói trên quảng trường Ba Đình lịch sử. Tre là hinh ảnh thân thuộc với làng quê Việt Nam, là biểu tượng cho sự dẻo dai tinh thần bất khuất  của cả dân tộc ta. Hình ảnh nhân hoá hàng tre “bão táp mưa sa đứng thẳng hàng” còn là biểu tượng bất diệt của con người Việt Nam kiên cường, bất khuất biền bỉ. Màu xanh của tre chính là màu xanh của sức sống Việt Nam, màu xanh của hy vnọg, hạnh phúc và hoà bình. 

Hoà vào dòng người thăm lăng, nhà thơ tiếp tục dòng suy tưởng. Lời thơ bỗng dạt dào một cảm xúc tự hào, thành kính, thương nhớ Bác:

"Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
 Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ"

Hai câu thơ sóng nhau, hô ứng nhau với hai hình ảnh mặt trời. Một mặt trời thiên nhiên, rực rỡ, vĩnh hằng "Ngày ngày... đi qua trên lăng", và "Một mặt trời trong lăng rất đỏ"- hình ảnh Bác Hồ vĩ đại. Nhiều nhà thơ đã sử dụng hình ảnh mặt trời để thể hiện ánh sáng của lý tưởng cách mạng, nhưng đối sánh hai hình ảnh mặt trời của Viễn Phương quả là rất độc đáo. Chỉ một hình ảnh mặt trời rất đỏ, nhà thơ đã khái quát được hình ảnh Bác Hồ vĩ đại. Nhà thơ đã nói hộ chúng ta rằng: Bác Hồ là mặt trời cách mạng đẹp nhất, rực rỡ nhất, chói lọi nhất luôn luôn toả sáng trong tâm hồn người Việt Nam. Bác chính là vầng mặt trời hồng toả tia sáng soi rọi con đừơng giúp dân tộc ta thoát khỏi kiếp đời nô lệ, là sức mạnh giúp nhân dân ta chèo lái con thuyền cách mạng cập bến vinh quang, đi đến bờ thắng lợi. Dù rằng đã ra đi mãi mãi nhưng Bác vẫn luôn bất tử, tư tưởng HCM vẫn luôn trường tồn, soi đường dẫn lối cho dân tộc ta đứng lên.
Hoà nhịp với gần trăm triệu bàn chân VN, hàng triệu bàn chân lao độgn trên thế giới, Viễn Phương bùi ngùi xúc động bước vào lăng:

“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”

Thành kính và nghiêm trang. Dòng người đông đúc, chẳng khác nào một "tràng hoa" muôn sắc ngàn hương từ mọi miền đất nước đến Ba Đình lịch sử viếng lăng Bác. Hình ảnh ẩn dụ "tràng hoa" diễn tả tấm lòng biết ơn, sự thành kính của nhân dân đối với Bác Hồ vĩ đại. Mỗi người dân là một bông hoa và dòng người đi trong thương nhớ chính là tràng hoa dâng lên Bác.

Đứng trước sự vĩ đại, to lớn của Bác, tác giả cũng vô thức bị cuốn vào trong lăng lúc nào không hay:

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vãn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim”

Bác đang nằm đây, ngay trước mắt nhà thơ, hiền hậu, nhân từ như một vầng trăng “dịu hiền”, mát mẻ mà vãn trong sáng rạng ngời.Ta có cảm giác như Bác vẫn chưa đi xa, vẫn chưa rời khỏi thế gian này mà Người đang ngủ đấy thôi. Lí trí thì nói bác đang ngủ, nghĩa là Bác vẫn còn sống mãi với đất nước, với dân tộc ta như trời xanh còn mãi trên đầu. Ngắm nhìn Bác mà nhà thơ lại xúc động khi nghĩ đến những năm tháng đất nước còn chiến tranh Bác có nhiều đêm không ngủ “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.” Giờ đây đất nước thống nhất Bác mới có giấc ngủ bình yên. Người nằm đó mà xung quanh là ánh sáng trong trẻo của vầng trăng. Vầng trăng trên trời cao kia cũng đi vào trong lăng soi sáng nơi Người yên nghỉ. Dường như giữa người và thiên nhiên bao giờ cung có sự giao hòa trăng đã trở thành đề tài trong thơ Bác và trở thành người bạn tri kỉ. Câu thơ "mà sao nghe nhói ở trong tim "diễn tả sự đau đớn, tiếc thương đến cực độ. Viễn Phương có một lối viết hàm súc, đầy thi vị; câu chữ để lại nhiều ám ảnh trong lòng người đọc.

Khổ thơ cuối nói lên cảm xúc của nhà thơ khi ra về. Biết bao lưu luyến, buồn thương:

"Mai về miền Nam, thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng
Muốn làm bông hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này".

Vì tình cảm mãnh liệt dành cho người cha già vĩ đại mà tác giả “muốn là con chin” để dâng lên tiếng hót vui, “muốn là đoá hoa” dâng hương thơm ngát, “muốn làm cây tre trung hiếu” canh gác chi giấc ngủ yên lành của Bác. Nghệ thuật ẩn dụ con chim, nhành hoa, cây tre chỉ nhà thơ Viễn Phương người muôn hóa thân vào những gì nhỏ bé nhưng đẹp đẽ để được gần gũi nơi Bác yên nghỉ. Điệp ngữ “muốn làm” điệp cấu trúc điệp cách phô diễn càng làm cho những ước nguyện chân thành tha thiết. Ý thơ sâu lắng, hình ảnh thơ đẹp và độc đáo, cách biểu hiện cảm xúc "rất Nam Bộ". Đây là những câu thơ trội nhất trong bài Viếng lăng Bác.

Bài thơ là tấm lòng yêu thương, kính trọng và biết ơn Bác. Bài thơ như một tiếng nói chung của toàn thể nhân dân Việt Nam, biểu lộ niềm đau xót khi thấy Bác kính yêu ra đi.Càng cho ta thấy rõ hơn đất nước ta có hoà bình như ngày hôm nay một phần lớn là nhờ công lao của Bác, như vậy chúng ta cần phải biết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta, để những công ơn to lớn của Bác không bị bỏ phí.

Đề bài

Tình cảm chân thành tha thiết của nhân dân ta đối với Bác qua bài Viếng lăng Bác

Hướng dẫn giải

Đối với mỗi người dân Việt Nam ai ai cũng có một lòng kính yêu chân thành nhất đối với Bác Hồ - vị cha già vĩ đại của dân tộc. Mặc dù Bác đã ra đi nhưng tình cảm chân thành tha thiết của nhân dân ta đối với Bác vẫn luôn còn mãi. Tình cảm đó đã được nhà thơ Thanh Hải thể hiện thành công qua bài Viếng lăng Bác.  Bằng cảm xúc chân thực và ngôn ngữ thơ gợi cảm, bài thơ đã nói hộ lòng người rằng: Bác Hồ vĩ đại sống mãi trong lòng nhân dân ta.

Bài thơ ra đời năm 1976, khi lần đầu tiên sau giải phóng miền Nam, Viễn phương ra thăm Lăng Bác. Bài thơ rất ngắn gọn, súc tích nhưng có sức gợi tạo nên sự xúc động cho người đọc. Bài thơ cho chúng ta thấy được lòng kính yêu tha thiết của nhân dân miền Nam nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đối với Bác. Tình cảm thiết  tha ấy được thể hiện theo mạch cảm xúc khi ở ngoài lăng, khi vào trong lăng và cuối cùng là khi ra về.
Như một người con xa, nay mới có dịp được trở về viếng thăm “người cha” đã khuất, Viễn Phương vô cùng bồi hồi, xúc động:

"Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác"

Câu thơ đầu tiên, thể hiện sự xúc động trào dâng của tác giả. Đó là tình cảm rất đỗi chân thành của một người con miền nam đối với vị cha già của dân tộc. Đó là thứ tình cảm thiêng liêng máu thịt. Câu thơ giản dị nhưng bao hàm một ý nghĩa lớn. Trong tim Bác và trong tim miền Bắc, Miền Nam luôn luôn là nỗi đau chia cắt, nỗi nhớ thương, là niềm tự hào, là biểu tượng anh hùng, bất khuất, dũng cảm, kiên cường, là thành đồng Tổ Quốc… Giờ đây, nhà thơ mang theo cả niềm tự hào đó của đồng bào miền Nam để đến với Bác.Trong giây phút xúc động ngẹn ngào ấy, hình ảnh “hàng tre bát ngát” trong sương sớm hiện lên thật đẹp khiến nhà thơ phải thốt lên:

"Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng".

Khung cảnh ở đây thật thiêng liêng. Hình ảnh hàng tre bát ngát gợi lên một quang cảnh đẹp mang đậm nét làng quê. Cảnh quang ấy đã làm cho nhà thơ cảm nhận nơi đó có một linh hồn quen thuộc của quê hương đất Việt. Tre hiện lên trong bài thơ cũng giống như hình ảnh con người Việt Nam anh hùng bất khuất vậy. Dù có gặp bao khó khăn, hiểm nguy, gian khó, con người Việt Nam vẫn hăng say lao động, hiên ngang, yêu nước và sẵn sàng chiến đấu quên mình để bảo vệ từng tấc đất quê hương. Cây tre đứng thẳng hàng trong bão táp mang ý nghĩa biểu tượng cho sức sống bền bỉ, kiên cường của dân tộc trước thăng trầm lịch sử.
Theo đoàn người, nhà thơ vào thăm lăng Bác, ông đã nhìn thấy:

"Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ".

“Mặt trời’’ đi qua trên lăng là hình ảnh thật của vũ trụ-Mặt trời mang sự sống đến cho vạn vật làm sâu sắt hơn ý nghĩa của hình ảnh ẩn dụ.Với niềm tiếc thương vô hạn và biết ơn sâu sắc, đứng giữa quảng trường Ba Đình, nhà thơ thấy một mặt trời đi qua trên lăng, đó là mặt trời của thiên nhiên. Còn nhìn vào bên trong lăng, vẫn có một mặt trời đỏ rực là Bác Hồ. Hình ảnh ẩn dụ “mặt trời trong lăng” thật đẹp. Bởi trái đất này làm sao có thể tổn tại nếu không có mặt trời. Nó cũng giống nhưđất nước Việt Nam nhờ có Bác mới có cuộc sống độc lập tự do như ngày hôm nay Bác là người đã soi sáng, dẫn dường đưa dân tộc Việt Nam đến với độc lập, tự do. Bằng hình ảnh này, tác giả đã thể hiện tấm lòng biết ơn thành kính nhất đối với.Bác – người đem lại cho nhân dân, cho đất nước ta một cuộc sống mới hạnh phúc, tự do. Đây là nét nghệ thuật sáng tạo của tác giả. Độc đáo hơn, nhà thơ còn sáng tạo một hình ảnh khác nữa để ca ngợi Bác:

"Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
 Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân".

Không chỉ có một ngày, hai ngày mà ngày ngày đều có người đến viếng lăng Bác. Dòng người như một tràng hoa với muôn ngàn sắc hương từ mọi miền đất nước dâng lên Bác. Trong khung cảnh trang nghiêm, tĩnh lặng ấy, ai cũng xúc động, thành kính và tỏ lòng biết ơn sâu sắc. Thêm một hình ảnh ẩn dụ so sánh đặc sắc khác nữa khi nhà thơ không nói Bác bảy mươi chín tuổi, mà thay vào đó ông nói “bảy mươi chín mùa xuân”. Cách ví von so ánh giàu sức gợi, bởi lẽ bảy mươi chín năm qua của Người hi sinh cho dân tộc Việt Nam, bảy mươi chín năm của Người là bảy mươi chín mùa xuân mang đến những bông hoa đẹp đẽ, tỏa ngát hương thơm và rực rỡ nhất. Sau bảy mươi chín năm “trọn một đời Bác có ngủ yên đâu” thì giờ Người được nằm trong lăng với giấc ngủ bình yên:

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim.”

Tác giả đã cho ta cảm nhận không gian và thời gian như ngưng đọng trước một hình ảnh thiêng liêng. Ta cảm nhận như Bác chỉ là đang ngủ một giấc ngủ bình yên chứ không phải Bác đi về cõi vĩnh hằng. Bác đã ra đi nhưng trong trái tim mỗi người dân Việt Nam thì Bác như còn sống mãi, tấm lòng yêu thương Bác dành cho dân tộc như mãi ở bên. Vầng trăng sáng ấy thật trong trẻo, thật tinh khiết gợi lên tấm lòng của Bác và cũng gợi lên những bài thơ đầy ánh trăng của Bác. Nỗi đau mất Bác trong lòng mỗi người dân Việt Nam nói chung và trong lòng mỗi người dân miền Nam nói riêng được xoa dịu bớt phần nào khi Bác yên nghỉ trong không gian rất tĩnh lặng. Lặng nhìn giấc ngủ bình yên nơi di hài Bác, nhà thơ vẫn không sao kìm nén được niềm xúc động, nỗi đau khi nhìn về sự thật rằng Người đã ra đi. Nhà thơ dùng hình ảnh “ trời xanh là mãi mãi” một cách tinh tế để kìm nén lại sự mất mát lớn lao này nhưng vẫn thấy “nhói ở trong tim”. Nỗi đau ấy nó âm thầm nhưng thể hiện sự tiếc nuối vô hạn đối với vị lãnh tụ, vị cha già kính yêu.

Tinh cảm của tác giả cũng như của nhân dân ta đối với Bác được thể hiện rõ nét nhất ở khổ cuối bài thơ.

"Mai về miền nam thương trào nước mắt
Mai về miền nam nhớ Bác khôn nguôi
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.”

Điệp ngữ muốn làm lặp lại ba lần đã gợi tả cảm xúc thiết tha, tình yêu nồng cháy của tác giả đối với Bác. Nhà thơ muốn làm con chim ca hát và làm đóa hoa tỏa ngát hương thơm để đem niềm vui đến cho Bác, muôn tỏ lòng trung hiếu để đền đáp công ơn như trời biển của Bác, muốn ở mãi nơi lăng Bác như hàng tre xanh ngát bốn mùa ở Ba Đình lịch sử. Ước muốn của tác giả chỉ giản đơn là được ngày ngày ở bên Bác nhưng đấy lại là ước muốn cháy bỏng, chân thành và thiết tha nhất. Cảm xúc mãnh liệt của tác giả giờ đây được dâng trào, được thể hiện rất mạnh mẽ: Mai về miền Nam thương trào nước mắt. Những giọt nước mắt ấy thôi cũng đủ nói lên tất cả, đủ thể hiện hết nỗi lòng của người dân Việt Nam. Giọt nước mắt ấy là chân thành và còn có sức truyền cảm mạnh mẽ hơn mọi lời nói.

Viếng lăng Bác là lòng thương nhớ không nguôi, lòng kính phục vô hạn của nhà thơ Viễn Phương và của nhân dân ta đối với Bác Hồ. Bài thơ là “một nén hương trầm thơm ngát thành kính dâng lên Bác”, để lại trong trái tim người đọc nhiều dư vang sâu lắng.

Có thể bạn quan tâm