Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Đồng chí

Lý thuyết
Mục lục
* * * * *

Câu 1: (Trang 130 - SGK Ngữ văn 9) 

Dòng thứ bảy của bài thơ có gì đặc biệt? Mạch cảm xúc và suy nghĩ trong bài thơ được triển khai như thế nào trước và sau dòng thơ đó?

Hướng dẫn giải

  • Dòng thơ thứ 7 rất đặc biệt khi chỉ có 2 từ ngắn gọn nhưng thật thiêng liêng: Đồng chí!
  • Dòng thơ đã chia bài thơ thành hai mạch cảm xúc: đi từ tình cảm riêng – tư (anh với tôi), đó là những cơ sở hình thành nên tình đồng chí, sự gắn bó chung lí tưởng, con đường (đồng chí), những biểu hiện của tình đồng chí.
  • Ý nghĩa của dòng thơ thứ 7 là nhấn mạnh sự thiêng liêng của tình đồng chí, giữa những con người cùng chí hướng, cùng lí tưởng.

Câu 2: (Trang 130 - SGK Ngữ văn 9) 

Sáu dòng đầu bài thơ đã nói về cơ sở hình thành tình đồng chí của những người lính cách mạng. Cơ sở ấy là gì?

Hướng dẫn giải

  • Cơ sở để hình thành tinh đồng chí của người lính cách mạng là cùng xuất thân từ làng quê nghèo khó, cùng chung giai cấp:

Quê hương anh nước mặn đồng chua.
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

         Đó là những người nông dân, xuất thân từ cuộc sống làng quê giản dị, chỉ quen với tay cầy tay cuốc.

  • Họ cùng chung lòng yêu nước, chung lí tưởng chiến đấu, cùng chung sự thiếu thốn, gian khổ của ngươi lính trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

Anh với tôi đôi người xa lạ
Từ phương trời chẳng hẹn quen nhau
Súng bên súng đầu sát bên đầu.

Chính lí tưởng yêu nước: súng bên súng đầu sát bên đầu làm cho những phương trời xa lạ xích lại gần nhau để cùng bên nhau chung một nhiệm vụ chiến đấu vì Tổ quốc. Tình đồng chí, đồng đội nảy nở và thành bền chặt trong sự chan hòa và chia sẻ mọi gian lao cũng như niềm vui, tác giả đã biểu hiện bằng một hình ảnh cụ thể, giản dị mà hết sức gợi cảm: "Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ."

Câu 3: (Trang 130 - SGK Ngữ văn 9)

 Hãy tìm trong bài thơ những chi tiết, hình ảnh biểu hiện tình đồng chí, đồng đội làm nên sức mạnh tinh thần của những người lính cách mạng. Phân tích ý nghĩa, giá trị của những chi tiết, hình ảnh đó.

Hướng dẫn giải

Những chi tiết, hình ảnh biểu hiện tình đồng chí, đồng đội làm nên sức mạnh tinh thần của những người lính cách mạng:

  • Sẵn sàng hi sinh vì độc lập của đất nước, trong ý thức mạnh mẽ của người lính, họ nhờ nhau chăm sóc ruộng vườn, gia đình của nhau.

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

  • Chia sẻ với nhau những điều kiện sinh hoạt đầy thiếu thốn nơi chiến trường khắc nghiệt: “Áo anh rách vai, quần tôi có vài mảnh vá”, “miệng cười buốt giá”, “chân không giày”.
  • Cùng nhau chiến đấu: không gian đầy khắc nghiệt “rừng hoang sương muối”, nhưng họ vẫn kề vai sát cánh đứng bên nhau chờ giặc tới, lạc quan tin tưởng vào ngày mai tươi sáng, thực hiện hành động bảo vệ tổ quốc, hiện thực hóa lí tưởng hòa bình.

Câu 4: (Trang 130 - SGK Ngữ văn 9) 

Đêm nay rừng hoang sương muối
 Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
 Đầu súng trăng treo.
Những câu thơ trên gợi cho em suy nghĩ gì về người lính và cuộc chiến đấu? Hãy phân tích vẻ đẹp và ý nghĩa của hình ảnh trong những câu thơ ấy.

Hướng dẫn giải

  • Trong bức tranh trên, nổi lên nền cảnh rừng khuya giá rét, là ba hình ảnh gắn kết với nhau: người lính, khẩu súng, vầng trăng.
  • Câu thơ thể hiện được điều kiện chiến đấu đầy khắc nghiệt, nơi rừng núi hoang vu hiểm trở, những trận sương muối lạnh buốt người. Trong không gian, điều kiện khó khăn ấy, những người lính vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Sức mạnh của tình đồng đội đã giup họ vượt lên trên tất cả những khắc nghiệt của thời tiết và mọi gian khổ, thiếu thốn. Tình đồng chí đã sưởi ấm lòng họ giữa cảnh rừng hoang của mùa đông, sương muối giá rét.
  • Tình đồng chí, đồng đội thật đẹp, những khó khăn không làm những người lính nản chí, họ cùng nhau chiến đấu. Cùng sống, cùng chiến đấu và cùng nhau vượt qua những hiểm nguy
  • Hình ảnh vầng trăng treo trên ngọn súng gợi ra ánh sáng của hòa bình, của tự do. Ánh sáng của niềm lạc quan cách mạng

Câu 5: trang 130 sgk Ngữ Văn 9 tập một

Theo em, vì sao tác giả lại đặt tên cho bài thơ về tình đồng đội của những người lính là Đồng chí?

Hướng dẫn giải

Tác giả đặt tên cho bài thơ về tình đồng đội của những người lính là Đồng chí vì:

  • Nhan đề là kết tinh cho nội dung, chủ đề của tác phẩm. Cả bài thơ Đồng chí của Chính Hữu đều gợi nhắc tới tình đồng chí, đồng đội của những người lính nông dân lần đầu ra trận trong những ngày đầu gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ cơ sở hình thành, đến biểu hiện và cuối cùng là kết tinh của tình đồng chí qua hình ảnh đầu súng trăng treo thì tình cảm của những người lính ấy cũng được gọi tên bằng thứ tình cảm thiên liêng, bất diệt là Đồng chí.
  • Những người lính trong bài thơ Đồng chí không chỉ đơn thuần là những người cùng chung một đội mà họ đã trở thành những người bạn tri âm tri kỉ, những con người chỉ mới gặp mà tưởng chừng như đã có hẹn với nhau từ rất lâu rồi. Họ chiến đấu không chỉ để bảo vệ quê hương và những người thân yêu của mình mà cao hơn thế, là để bảo vệ dân tộc, mảnh đất mà cha ông đã phải đánh đổi bằng xương máu, mồ hôi của biết bao thế hệ. Đó là nhận thức sâu sắc và cảm động của những con người vốn dĩ chân lấm tay bùn nhưng ở họ sáng lên một tình yêu nước nồng nàn, tha thiết.
  • Cách đặt tên bài thơ là Đồng chí  cũng là một hình thức để Chính Hữu ca ngợi tình cảm đồng chí, đồng đội cao cả và bất diệt. Đặc biệt trong hoàn cảnh quân ta đang ở thế yếu hơn, cả dân tộc đang hòa trong không khí cả đất nước ra trận thì sẽ rất cần những tình cảm có thể gắn kết con người để tạo nên sức mạnh của tập thể. Tình đồng chí, đồng đội chính là sợi dây có thể gắn kết những con người tưởng chừng như xa lạ xích lại gần nhau. Chính họ đã làm nên những kì tích, sức mạnh đáng khâm phục và cũng chính họ là những người hùng giải phóng đất nước, đưa nhân dân thoát khỏi ách nô lệ và gót giày xâm lược bạo tàn của bọn đế quốc, thực dân.

Câu 6: (Trang 130 - SGK Ngữ văn 9) 

Qua bài thơ này, em có cảm nhận gì về hình ảnh anh bộ đội thời kháng chiến chống Pháp?

Hướng dẫn giải

  • Hình ảnh những người lính thời kháng chiến chống Pháp hiện lên thật đẹp. Đó là những con người là một hình ảnh chân thực, giản dị, mộc mạc, tình cảm dồng đội gắn bó và thiêng liêng, sẵn sàng xả thân vì quê hương, vì độc lập tự do của Tổ quốc. Họ sẵn sàng dâng hiến cả tuổi xuân cho sông núi quê hương. Bỏ lại sau lưng là gia đình, quê thiếu bàn tay các anh chăm sóc.
  • Đẹp hơn nữa chính là thế giới tâm hồn, là tình cảm gắn bó của những người lính, cùng chung những khó khăn nhưng họ cũng chung những lí tưởng, khát vọng hòa bình cho dân tộc. Họ luôn có ý thức gắn bó, sống đùm bọc, tương trợ nhau không chỉ trong cuộc sống mà cả trong chiến đấu. Đó là hình ảnh những người lính bộ đội cụ Hồ.

Luyện tập (Trang 130 - SGK Ngữ văn 9) 

Viết một đoạn văn trình bày cảm nhận của em về đoạn cuối bài thơ Đồng chí (“Đêm nay... trăng treo”).

Hướng dẫn giải

Bài thơ Đồng chí với những câu văn dung dị, mộc mạc nhưng đã toát lên vẻ đẹp sáng ngời về những người lính bộ độ cụ Hồ năm xưa. Họ xuất thân từ những miền quê khác nhau, bỏ lại sau lưng là ruộng đồng, gia đình để lên đường chiến đấu cho độc lập dân tộc. Gặp nhau nơi rừng thiên nước độc, giữa tiếng đạn bom, giữa những hiểm nguy luôn rình rập, nhưng họ không hề lo sợ, nao núng tinh thần. Họ đã cùng nhau sống, chiến đấu và gắn bó thân thiết như anh em ruột thịt:

Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.

“Đầu súng trăng treo”, câu thơ ngắn gọn mà cô đọng những ý nghĩa sâu xa. Sự đối lập giữa hai hình ảnh súng và trăng, đối lấp giữa hiện tại chiến tranh ác liệt và khát vọng hòa bình tươi sáng.  Giữa rừng khuya thanh vắng, các anh cùng sát bên nhau làm nhiệm vụ, ánh trăng trên cao như người bạn đồng hành cùng chiến đấu. Ánh trăng như giúp các anh tạm quên đi những ngày tháng chiến đấu vất vả, ánh trăng của khát khao hòa bình dân tộc, ánh trăng gợi nhớ về quê hương yên bình.
Anh với tôi từ xa lạ mà thành thân quen, rồi sát cánh bên nhau những ngày chiến đấu, tình cảm nối lại thành tình đồng chí. Câu thơ cuối bài có ý nghĩa thật đẹp, là hình ảnh chan hòa giữa con người với thiên nhiên, đất nước, là khát vọng về ngày hòa bình của dân tộc. Ánh trăng cuối bài thơ như tỏa ánh sáng dịu dàng, soi rọi cho tình đồng chí gắn bó keo sơn.

Có thể bạn quan tâm


Có thể bạn quan tâm