Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Rút gọn câu

Lý thuyết
Mục lục
* * * * *

Câu 1: Trang 16 sgk ngữ văn 7 tập 2

Trong các câu tục ngữ sau, câu nào là câu rút gọn? Những thành phần nào của câu được rút gọn? Rút gọn như vậy nhằm mục đích gì?
a. Người ta là hoa đất.
b. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
c. Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng.
d. Tấc đất tấc vàng.

Hướng dẫn giải

  • Các câu b, c là những câu rút gọn thành phần chủ ngữ. Hai câu này khuyết thành phần chủ ngữ, không chỉ một cá nhân cụ thể. Một câu nêu nguyên tắc ứng xử của con người, một câu nêu kinh nghiệm sản xuất chung trong nông nghiệp nên có thể rút gọn chủ ngữ làm cho câu gọn hơn.
  • Đây là cách nói khá phổ biến trong tục ngữ Việt Nam.

Câu 2: Trang 16 sgk ngữ văn 7 tập 2

Hãy tìm các câu rút gọn trong những ví dụ dưới đây. Khôi phục những thành phần câu đã được rút gọn. Cho biết vì sao trong thơ, ca dao thường có nhiều câu rút gọn như vậy.
a.
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
(Bà Huyện Thanh Quan)
b)                            
Đồn rằng quan tướng có danh,
 Cưỡi ngựa một mình chẳng phải vịn ai.
 Ban khen rằng: "ấy mới tài",
Ban cho cái áo với hai đồng tiền.
 Đánh giặc thì chạy trước tiên,
Xông vào trận tiền cởi khố giặc ra (!)
 Giặc sợ, giặc chạy về nhà,
Trở về gọi mẹ mổ gà khao quân!
(Ca dao)

Hướng dẫn giải

a. Các câu rút gọn chủ ngữ là:

  • Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
  • Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,

Có thể khôi phục chủ ngữ như sau:

  • (Tôi) bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
  • (Tôi) dừng chân đứng lại, trời, non, nước,

b. Các câu rút gọn chủ ngữ

  • Đồn rằng quan tướng có danh,
  • Cưỡi ngựa một mình chẳng phải vịn ai.
  • Ban khen rằng: "Ấy mới tài",
  • Ban cho cái áo với hai đồng tiền.
  • Đánh giặc thì chạy trước tiên,
  • Xông vào trận tiền cởi khố giặc ra (!)
  • Trở về gọi mẹ mổ gà khao quân!

Có thể khôi phục chủ ngữ như sau:

  • Họ/người ta đồn răng quan tướng có danh
  • Ông ta/Quan tướng cưỡi ngựa chẳng phải vịn ai.
  • Vua ban khen rằng: “ấy mới tài”,
  • Và ban cho cái áo với hai đồng tiền,
  •  Ông ta/Quan tướng đánh giặc thì chạy trước tiên
  • Ông ta/Quan tướng xông vào trận tiền cởi khố giặc ra.
  • Ông ta/Quan tướng trở về gọi mẹ mổ gà khao quân

Trong thơ, ca dao thường có nhiều câu rút gọn vì:

  • Các câu thơ thường tuân theo niêm luật, số chữ quy định của từng thể loại thơ và vần điệu thơ. Vì vậy việc rút gọn khiến câu thơ súc tích, ngắn gọn.
  • Đặc biệt trong thơ ca trung đại, các tác giả thường giấu đi cái tôi cá nhân một cách khiêm tốn.

Câu 3: Trang 17 sgk ngữ văn 7 tập 2

Vì sao cậu bé và người khách trong câu chuyện trên hiểu lầm nhau? Qua câu chuyện này, em rút ra được bài học gì về cách nói năng?

MẤT RỒI

Một người có việc đi xa, dặn con:
- Ở nhà có ai hỏi thì bảo bố cháu đi vắng nhé!
Sợ con mải chơi quên mất, ông ta viết mấy câu vào giấy, đưa cho con, bảo:
- Có ai hỏi thì đưa cái giấy này.
Đứa con cầm giấy bỏ vào túi áo. Cả ngày chẳng thấy ai hỏi. Tối đến, nó thắp đèn, lấy giấy ra xem, chẳng may để giấy cháy mất.
Hôm sau có người khách lại chơi, hỏi:
- Bố cháu có nhà không?
Thằng bé ngẩn ngơ hồi lâu, sực nhớ ra, sờ vào túi không thấy giấy, liền nói:
- Mất rồi.
Ông khách sửng sốt:
- Mất bao giờ?
- Thưa... tối hôm qua.
- Sao mà mất nhanh thế?
- Cháy ạ.

(Truyện cười dân gian Việt Nam)

Hướng dẫn giải

Cậu bé và người khách hiểu lầm nhau bởi vì cậu bé trả lời người khách đã dùng ba câu rút gọn khiến người khách hiểu sai ý nghĩa:

  • “Mất rồi”: ý cậu bé là tờ giấy  mất rồi nhưng người khách hiểu ý khác: bố cậu bé đã mất (chết).
  • “Thưa... tối hôm qua”: ý cậu bé là làm mất tờ giấy hôm qua nhưng người khách hiểu: bố cậu bé đã mất tối hôm qua.
  • “Cháy ạ”: ý cậu bé là tờ giấy bị cháy, nhưng người khách hiểu: bố cậu bé mất vì cháy.

==> Ba câu trên đều rút gọn chủ ngữ là “tờ giấy”, khiến ông khách hiểu nhầm là bố cậu bé. Truyện trên ngoài ý gây cười còn có ngụ ý khuyên răn chúng ta cần cẩn thận khi dùng câu rút gọn, tránh gây hiểu lầm nghiêm trọng.

Câu 4: Trang 18 sgk ngữ văn 7 tập 2

Đọc truyện cười sau đây, Cho biết chi tiết nào trong truyện có tác dụng gây cười và phê phán.

THAM ĂN

Có anh chàng phàm ăn tục uống, hễ ngồi vào mâm là chỉ gắp lấy gắp để, chẳng ngẩng mặt nhìn ai, cũng chẳng muốn chuyện trò gì. Một lần đi ăn cỗ ở nhà nọ, có ông khách thấy ông ta ăn uống lỗ mãng quá, bèn lân la gợi chuyện. Ông khách hỏi:
- Chẳng hay ông là người ở đâu ta?
Anh chàng đáp:
- Đây.
Rồi cắm cúi ăn.
- Thế ông được mấy cô, mấy cậu rồi?
- Mỗi.
Nói xong, lại gắp lia gắp lịa.
Ông khách hỏi tiếp:
- Các cụ thân sinh ông chắc còn cả chứ?
Anh chàng vẫn không ngẩng đầu lên, bảo:
- Tiệt!
(Truyện cười dân gian Việt Nam)

Hướng dẫn giải

Trong câu chuyện trên, chi tiết gây cười là những câu trả lời của anh chàng tham ăn. Vì phàm ăn nên anh đã trả lời vắn tắt “Đây, Mỗi, Tiệt”. Các câu rút gọn đến mức khó hiểu và thô lỗ.

Bài tham khảo thêm

Tìm 5 câu tục ngữ có hình thức rút gọn

Hướng dẫn giải

5 câu tục ngữ có hình thức rút gọn:

  • Ăn trông nồi, ngồi trông hướng

=> Chỉ cách cư xử tế nhị của con người trong cuộc sống. Khi ăn phải xem trong nồi còn nhiều hay ít thức ăn để có cách cư xử cho phù hợp. Trong bữa ăn, nếu thức ăn còn quá ít mà có người vẫn chưa kịp ăn, ta không nên ăn mà nhường lại phần cho người khác. Cũng giống như ăn, khi ngồi cũng cần phải xem hướng: không ngồi trước mặt người khác, không che ánh sáng, che gió; ngồi ngay chỗ mọi người qua lại.

  • Học ăn, học nói, học gói, học mở

=> Câu tục ngữ là bài học về những điều cơ bản trong cuộc sống của con người về các ăn nói, cách cư xử sao cho lịch sự, tế nhị và văn minh.

    • Học ăn: Học cách ăn uống, các phép lịch sự trong bàn ăn
    • Học nói: Học cách nói năng, suy nghĩ trước khi nói, nói những điều hay lẽ phải
    • Học gói, học mở: Sự khéo léo khi sắp xếp và xử lí công việc của con người. Ta cần phải biết cái gì làm trước, cái gì làm sau, phải học cách gói trước rồi mới đến cách mở sau.
  • Lá lành đùm lá rách

=> Câu tục ngữ cho ta lời khuyên về lối sống đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người trong một quốc gia, dân tộc, giữa con người với con người.

    • Nghĩa thực: “lá lành” là những chiếc lá còn lạnh lặn, đẹp đẽ còn “lá rách” là những chiếc là không còn nguyên vẹn, đã rách hoặc nát. Cả câu nói giúp ta hiểu về sự thật những chiếc lá lành trên cây có thể che chở, bảo vệ cho những chiếc lá rách, không còn nguyên vẹn để chúng vẫn có thể sống và xanh tươi.
    • Nghĩa ẩn dụ: “lá lánh” là hình ảnh biểu trưng cho những người có cuộc sống may mắn, đủ đầy hơn trong cuộc sống còn “lá rách” để chỉ những con người có cuộc sống khó khăn, kém may mắn hơn. Câu tục ngữ khuyên chúng ta hãy giúp đỡ người khác trong khả năng của mình để họ có thể có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
  • Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ

=> Câu tục ngữ đã đúc kết một kinh nghiệm sống của cha ông truyền cho thế hệ sau

    • Khi muốn đi xa hoặc làm bất cứ việc gì ta chưa từng làm, hãy hỏi những người già. Ở đây có thể là người lớn tuổi hoặc những người giàu kinh nghiệm hơn mình. Bởi họ là những người từng trải nên họ sẽ rõ đường đi, nước bước và có thể cho chúng ta những lời khuyên quý giá.
    • Trẻ con rất ngây thơ, trong sáng và chúng không biết nói dối. Chính vì thế, muốn biết những gì đã xảy ra, hãy hỏi những đứa trẻ, chúng luôn luôn nói thật.
  • Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo

=> Câu tục ngữ cho chúng ta lời khuyên về thái độ sống đứng đắn mà chúng ta nên có trên đường đời

    • Nghĩa thực: sóng cả là những con sóng lớn, sóng dữ ngoài biển khơi. Cả câu nói có nghĩa đừng vì một cơn sóng dữ mà người lái đò nghiêng tay chèo, con thuyền có thể lật úp bất cứ lúc nào.
    • Nghĩa ẩn dụ: “Sóng cả” là biểu tượng của những khó khăn , vất vả mà bất cứ ai cũng sẽ gặp phải trên đường đời. Còn “tay chèo” chính là ý chí, niềm tin của ta vào cuộc sống, vào con đường mà ta đang đi. Cả câu tục ngữ khuyên răn chúng ta không thể vì những khó khăn trước mắt mà đánh mất đi ý chí, niềm tin của mình vào bản thân. Chúng ta cần vững tay chèo để đưa cuộc đời mình đến đích cuối cùng.

Các câu trên rút gọn thành phần Chủ ngữ của câu. Có thể khôi phục bằng cách thêm chủ ngữ cho các câu ấy là “Ta”, “Chúng ta”, “Mọi người”, “Nhân dân Việt Nam”

Sở dĩ những câu tục ngữ này rút gọn thành phần chủ ngữ vì để hướng tới tất cả mọi người bởi những câu tục ngữ thường sẽ đưa ra những lời khuyên nhủ, răn dạy con người ta về phẩm chất đạo đức và các bài học ứng xử trong cuộc sống.

Tham khảo thêm

Viết một đoạn văn ngắn, có sử dụng câu rút gọn.

Hướng dẫn giải

Bài tham khảo 1:

Chiếp...chiếp! Đó là tiếng những chú gà con nối đuôi nhau theo mẹ đi kiếm mồi. Những chú gà con mới đẹp làm sao! Vàng óng, nhỏ xinh như cục bông, lon ton chạy theo mẹ. Đàn gà đi qua sân rồi đi vào bãi đất trống ngay đầu ngõ nhà tôi để kiếm mồi. Đã đến được nơi đàn gà con cùng mẹ dừng lại chỗ bãi đất và bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm thức ăn của chúng. Do chúng cũng chưa có kinh nghiệm trong việc kiếm mồi nên nhìn chúng vẫn còn gượng gạo lắm. Một số con gà đầu đàn rất nhanh nên đã kiếm được những con giun đầu tiên. Chúng vui vẻ nhai ngon lành tỏm tẻm vài cái là con giun đã yên lành trong bụng của chúng. Những con gà nhỏ hơn chưa quen được với việc đi kiếm mồi nên nhìn chúng có vẻ hơi lúng túng. Có lúc chúng chán qua quay sang mổ nhau trông thật đáng yêu.

Bài tham khảo 2:

Mùa hạ qua đi, mùa thu lại về tiếng trống ngày khai trường lại rộn rã vang lên. Nhìn đám học sinh khuôn mặt ai nấy hơn hở đến trường mà trong lòng tôi gợi lên những cảm giác khó tả. Vui mừng, hớn hở, nôn nao. Nhớ những khi lo lắng biết bao khi chưa biết thầy cô giáo nào chủ nhiệm lớp mình hay những buổi học đầu năm học mới thật hứng khởi với tụi học sinh như chúng tôi. Giờ đã xa trường rồi, chuẩn bị bước vào ngôi trường cấp 3, những hoài niệm về ngôi trường cấp 2 cứ nóng lên trong tâm trí. Sắp phải đến một ngôi trường mới, gặp những người bạn mới và thầy cô mới, dù có chút lo lắng nhưng tôi tin mọi thứ sẽ sớm thật tuyệt như khi còn ở trường cấp 2 của mình.

Có thể bạn quan tâm


Có thể bạn quan tâm