Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Kiểm tra phần Văn trang 137 sgk

Lý thuyết
Mục lục
* * * * *

Câu 1

Chọn một câu ca dao đã học hoặc sưu tầm được, phân tích tình cảm được diễn tả và những biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong bài ca dao đó

Hướng dẫn giải

Ca dao dân ca than thân là một trong những đề tài lớn trong văn học dân gian Việt Nam, đặc biệt là những câu ca dao về lời than thân của những người phụ nữ. Chùm ca dao than thân thường được bắt đầu bằng mô típ Thân em vừa là một cách khẳng định giá trị của bản thân vừa là một cách nói ngậm ngùi, cay đắng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Trong số ấy, em tâm đắc nhất là câu ca dao:

"Thân em như trái bần trôi

Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu?"

Trong xã hội phong kiến xưa kia, quan niệm trọng nam kinh nữ đã biến cuộc đời người phụ nữ thành chuỗi bi kịch kéo dài. Biết than cùng ai, biết ngỏ cùng ai? Trời thì cao mà đất thì dày. Thôi thì đành giãi bày qua tiếng hát, lời ru chan chứa nước mắt. Câu ca dao bắt nguồn từ miền Nam, xứ sở của sông ngòi, kênh rạch. Cây bần thường mọc ở ven bờ. Trái bần non có vị chua chua, chát chát, xát mỏng chấm mắm ăn thay rau. Trái già rụng xuống nước, bập bềnh trôi nổi theo sóng. Ngay cái tên gọi cũng chỉ rõ nó là loại cây tầm thường (bần: nghèo), chẳng có mấy giá trị.

Người phụ nữ chân lấm tay bùn nhìn trái bần trôi mà cám cảnh, thấy mình nào có khác chi? Trái bần trôi hoàn toàn phụ thuộc vào gió, vào sóng. Gió nhẹ, sóng êm thì từ từ thanh thản, chẳng may gió dập, sóng dồi thì cũng đành cam chịu cảnh ba chìm bảy nổi chín lênh đênh, biết tấp vào đâu? Vào bờ bến nào để đổi thay số phận?

Không được làm chủ bản thân, người phụ nữ buộc phải lâm vào cảnh Cũng đành nhắm mắt đưa chân, Mà xem con tạo đưa vần đến đâu. Luật tam tòng khắc nghiệt trói buộc họ, biến họ thành những con người cam chịu định mệnh bất công: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử và thực tế thì người phụ nữ đã bị xã hội khinh rẻ, coi thường. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra mặc cảm tự ti từ bao đời nay ở người phụ nữ.

Có điều gì đó thật xót xa, buồn thảm trong hình ảnh so sánh "Thân em như trái bần trôi". Trái bần trôi dập dềnh theo dòng sông vô định, còn người phụ nữ nghèo thì cũng nổi trôi trong vòng đời vô định. Hiện thực nghiệt ngã, tương lai mở mịt, không một chút vui, không một niềm hi vọng. Câu ca dao với hình tượng gợi cảm và âm điệu ngậm ngùi đã gợi lên số phận hẩm hiu đáng thương của người phụ nữ nghèo khổ trong xã hội phong kiến cũ. 

Câu ca dao khép lại là nỗi băn khoăn với câu hỏi muôn đời của người phụ nữ, cuộc đời mình rồi sẽ đi về đâu? Câu ca dao vừa là lời thương xót cho số phận bấp bênh, chìm nổi của người phụ nữ vừa là lời tố cáo đanh thép chế độ phong kiến xưa đã vùi dập cuộc đời, chà đạp nhân phẩm của họ. 

Câu 2

Hãy lựa chọn một bài thơ trữ tình thuộc phần văn học trung đại Việt Nam và nêu lên những giá trị chủ yếu về nội dung và nghệ thuật của bài thơ đó.

Hướng dẫn giải

Những tác phẩm trữ tình thuộc phần văn học trung đại Việt Nam các bạn có thể tham khảo đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của chúng:

STT

Tên tác phẩm

Tác giả

Nội dung

Nghệ thuật

1

Sông núi nước Nam (Nam Quốc sơn hà

Lý Thường Kiệt

Ý thức độc lập chủ quyền và quyết tâm chiến đấu chống giặc ngoại xâm

Cách sử dụng từ ngữ đắt giá

Giọng thơ đanh thép

2

Phò giá về kinh (Tụng giá hoàn kinh sư)

Trần Quang Khải

Hào khí chiến thắng và khát vọng thái bình thịnh trí

Hình ảnh thư giàu sức gợi

Giọng thơ hào sảng, hứng khởi

3

Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra (Thiên Trường vãn vọng)

Trần Nhân Tông

Sự sống con người, thiên nhiên bình dị và nhân cách của một vị vua anh minh

Ngôn ngữ thơ giản dị, gần gũi

4

 

Bài ca Côn Sơn

Nguyễn Trãi

Nhân cách thanh cao và sự giao hòa với thiên nhiên của lòng người

Thể thơ lục bát giàu nhạc tính

Hình ảnh gần gũi, quen thuộc

5

Sau phút chia li

(Chinh phụ ngâm)

Nguyên tác: Đặng Trần Côn

Bản dịch: Đoàn Thị Điểm

Tố cáo chiến tranh phi nghĩa và khát vọng hạnh phúc lứa đôi của người chinh phụ

Thể thơ song thất lục bát giàu nhạc tính

Nghệ thuật ngôn từ độc đáo

Nghệ thuật điệp ngữ

6

Bánh trôi nước

Hồ Xuân Hương

Phẩm chất tốt đẹp và số phận ngang trái, khổ đau của người phụ nữ trong xã hội phong kiến

Hình ảnh bình dị nhưng mang tính tượng trưng, đa nghĩa

Sử dụng thành ngữ

7

Qua đèo ngang

Bà huyện Thanh Quan

Nỗi thương nhớ quá khứ và nỗi buồn cô đơn của con người trước thiên nhiên rộng lớn, hoang sơ

Hình ảnh thiên nhiên rộng lớn, phong cách thơ trang nhã

Thể thơ thất ngôn bát cú đường luật

Câu 3: trang 137 sgk Ngữ Văn 7 tập hai 

Chép lại hai câu thơ Đường đã học (nếu có thể, cả phần phiên âm chữ Hán) và giải thích lí do vì sao mà em thích hai câu thơ đó.

Hướng dẫn giải

Những bài thơ Đường trong chương trình Ngữ Văn 7 đặc sắc về nội dung và nghệ thuật mà các bạn có thể tham khảo:

STT

Tác phẩm

Tác giả

Nội dung

Nghệ thuật

1

Xa ngắm thác núi Lư

 

 

 

 

 

 

Lí Bạch

- Cảm nhận vẻ đẹp tráng lệ, huyền ảo của thác Lư.

- Tình yêu say đắm, tâm hồn hào phóng, tài quan sát và trí tưởng tượng mãnh liệt của nhà thơ, bộc lộ lòng yêu quê hương sâu đậm, tha thiết

- Quan hệ giữa cảnh và tình, giữa miêu tả (trí tưởng tượng) và biểu cảm (qua tả cảnh)

=> Bút pháp tả cảnh ngụ tình

- Hình ảnh thơ đẹp, giàu sức gợi

2

Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh

- Tình cảm tha thiết với trăng, với thiên nhiên trong tâm hồn nhà thơ

- Nỗi nhớ quê hương của kẻ tha hương lữ thứ trong đêm thanh tịnh

- Ngôn từ hàm súc nhưng giàu sức gợi (đặc trưng của thơ cổ)

- Bút pháp đối

3

Ngẫu nhiên viết nhân buổi vể quê

Hạ Tri Chương

- Tình cảm với quê hương sau nhiều năm xa cách

- Sự xót xa, nuối tiếc của tác giả khi bị xem như người lạ lúc trở về quê

- Phép đối

- Tự sự là cơ sở để biểu cảm

4

Bài ca nhà tranh bị gió thu phá

Đỗ Phủ

- Tình cảnh khốn khổ của kẻ sĩ nghèo trong xã hội cũ

- Khát vọng nhân đạo, cao cả của của nhà thơ: vượt lên sự bất hạnh của bản thân để mong có được mái nhà che cho tất cả người nghèo trong thiên hạ

Kết hợp nhiều phương thức: tự sự, miêu tả, biểu cảm

Câu 4

Chép lại hai câu thơ nói về vẻ đẹp của trăng trong hai bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng Giêng của Hồ Chí Minh. Nhận xét về nghệ thuật miêu tả. Qua hình ảnh trăng, em cảm nhận như thế nào về vẻ đẹp tâm hồn của Bác?

Hướng dẫn giải

Trăng là nguồn thi hứng bất tận của những người làm thơ, yêu thơ. Ánh trăng luôn mang tới cho người nghệ sĩ những cảm xúc mới lạ. Và với người nghệ sĩ Hồ Chí Minh, trăng trong thơ của Người luôn mang một vẻ đẹp tròn đầy, tinh tế. Hai câu thơ miêu tả trăng trong bài Cảnh khuya và Rằm tháng Giêng đã phần nào nói lên vẻ đẹp tâm hồn người thi sĩ ấy.

Cả hai bài thơ Cảnh khuya Rằm tháng Giêng đều được Bác viết ở chiến khu Việt Bắc, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954). Đây là khoảng thời gian mà thực dân Pháp chuẩn bị lực lượng để tiêu diệt cơ quan đầu não của ta, là thời kì căng thẳng của chiến sự, nhưng đọc thơ Bác, ta vẫn thấy hình ảnh thiên nhiên hiện lên thật đẹp:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa 

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”

Thiên nhiên hiện lên trong bài Cảnh khuya không chỉ có tiếng suối róc rách chảy hóa thành tiếng hát trong trẻo, trầm bổng của người nghệ sĩ mà còn hiện lên với ánh trăng tràn ngập. Điệp từ “lồng” xuất hiện tới hai lần chỉ trong một câu thơ đã tạo ra một hình ảnh vô cùng độc đáo. Ánh trăng sáng chiếu xuống mặt đất, xuyên qua từng tán cây, kẽ lá tạo thành từng đốm sáng lấp lánh như những bông hoa trong đêm đen dày đặc. Không gian được Bác phác họa chỉ bằng vài nét bút tinh tế: Ánh trăng tràn ngâp khắp không gian như một lớp vàng được dát mỏng. Xa xa vọng lại là tiếng suối róc rách chảy. Cái yên lặng của màn đêm bỗng chốc trở thành bức phông nền hoàn hảo để thiên nhiên bộc lộ hết vẻ đẹp của mình. Vậy là, trăng trong thơ Bác là trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp của thiên nhiên.

Đâu chỉ dừng lại ở đó, trăng trong thơ Bác còn là một người bạn tri âm, tri kỉ trong suốt cuộc hành trình đấu tranh gian khổ của người chiến sĩ cách mạng:

“Rằm xuân lồng lộng trăng soi 

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân”

Giữa lúc việc quân đang bận, kẻ thù đang chuẩn bị tấn công, mọi gánh nặng, lo toan nỗi nước nhà đè nặng lên đôi vai gầy của Bác, trăng vẫn xuất hiện, đều đặn, không hẹn trước. Trăng hiện lên trong bài thơ Rằm tháng Giêng là ánh trăng của ngày Rằm, tròn trịa, trong trẻo và ánh sáng của trăng lúc này là đẹp nhất, sáng nhất. Ánh trăng ấy được Bác miêu tả qua từ láy “lồng lộng” gợi ra một không gian rộng, mênh mông của những cánh rừng Việt Bắc bạt ngàn mà tràn ngập chỉ có màu vàng của ánh trăng. Trăng dường như xuất hiện ở khắp mọi nơi trong cuộc sống, trong thơ của Bác, như một người bạn tri kỉ lặng lẽ ở bên cạnh, dõi theo từng bước chân của Bác. Hình ảnh của người bạn tri kỉ ấy, đâu chỉ một lần trở nên chân thực và sinh động trong thơ Bác? Ta đã bắt gặp ánh trăng nũng nịu, trách móc hờn dỗi chỉ vì Bác bận việc công mà chưa kịp “trả thơ” cho trăng:

“Trăng vào cửa sổ đòi thơ 

Việc quân đang bận xin chờ hôm sau”

Những câu thơ miêu tả ánh trăng trong hai bài thơ Cảnh khuyaRằm tháng Giêng khiến người đọc cảm nhận được những nét đẹp tinh tế trong tâm hồn của người chiến sĩ - thi sĩ Hồ Chí Minh. Ánh trăng trong thơ Bác là biểu tượng cho khao khát tự do, hòa bình, độc lập của người chiến sĩ cộng sản. Suốt cả cuộc đời mình, Bác có mong muốn tột cùng là làm thế nào để nhân dân được tự do, làm thế nào để nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Suy nghĩ ấy trở đi trở lại trong tâm trí của Bác khiến Người luôn trăn trở. Có lẽ vì thế mà Người luôn khao khát đến cháy bỏng tự do: mất tự do về thân thể những lúc bị cầm tù Bác lại tìm đến trăng, tìm đến thiên nhiên để có được sự tự do trong tâm hồn. Cũng vì thế mà thiên trong thơ Bác ánh trăng luôn soi rọi. Bởi trăng là biểu tượng của hòa bình, là thứ ánh sáng hiền hòa làm dịu mát tâm hồn của những con người đang sục sôi và bức bối vì hoàn cảnh thực tại. Ánh trăng là biểu tượng cho tinh thần lạc quan của cách mạng. Trong cuộc đời làm cách mạng của mình, không ít lần Bác bị bắt giam, bị cầm tù, bị tra tấn bị đày đọa trải qua muôn vàn khổ đau. Người cũng chứng kiến và nhận ra chân lí của cách mạng rằng ở đâu tầng lớp thống trị cũng là kẻ bóc lột, ở đâu người dân lao động cũng là người chịu kiếp sống lầm than, bị vùi dập, chà đạp xuống tận cùng của xã hội. Thế nhưng, nhà tù chỉ có thể giam cầm thân thể chứ không thể mài mòn ý chí và niềm tin của con người ấy. Chưa bao giờ Bác đánh mất tự do trong tâm hồn mình. Cũng chưa bao giờ, Bác thôi hi vọng về cuộc sống. Người luôn nhìn hiện tại bằng con mắt lạc quan của người nghệ sĩ và nhìn tương lai bằng con mắt của sự tin tưởng. Trong cảnh khổ ải, khó khăn, bận bịu, lo toan việc nước, Bác vẫn có phong thái ung dung, lạc quan, yêu đời, hòa mình vào thiên nhiên:

“Giữa dòng bàn bạc việc quân 

Khuya về bát ngát, trăng ngân đầy thuyền”

Ánh trăng vừa lan tỏa, phủ đầy khắp không gian lại vừa quy tụ lại trên con thuyền. Vẻ đẹp của vầng trăng được ghi lại đầy thơ mộng, hòa hợp với tấm lòng người ngắm trăng với niềm tin sắt đá vào thắng lợi trong tương lai.

Có thể nói, những câu thơ nói về vẻ đẹp của trăng trong hai bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng Giêng đã khắc họa được vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ - thi sĩ Hồ Chí Minh. Ánh trăng trong thơ Bác luôn vận động và phát triển cùng với dòng chảy trôi của lịch sử và dĩ nhiên, nó trở thành biểu tượng đẹp đẽ cho khao khát cháy bỏng về tự do, hòa bình cũng là biểu tượng cho tinh thần lạc quan của người chiến sĩ cách mạng.

Câu 5

 Em cảm nhận được gì về tình cảm quê hương đất nước của tác giả qua việc hồi tưởng hình ảnh mùa xuân trên đất Bắc trong bài Mùa xuân của tôi?

Hướng dẫn giải

Đã là con người, ai cũng sẽ có một vùng đất để yêu thương và nhớ về. Và vùng đất ấy sẽ trở thành điểm tựa tinh thần, là nỗi niềm và khao khát khi ta mệt mỏi muốn gục ngã. Vũ Bằng cũng có một vùng đất để thương, để nhớ, ấy là quê hương đất Bắc, là Hà Nội. Nỗi nhớ quê hương da diết cứ cuộn lên từng hồi mà người đọc có thể cảm nhận nỗi niềm ấy qua những dòng văn nhẹ nhàng, tinh tế trong bài Mùa xuân của tôi.

Mùa xuân của tôi được trích từ thiên tùy bút Tháng Giêng mơ về trăng non rét ngọt trong tập tùy bút - bút kí Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng. Nhan đề bài văn do người biên soạn đặt. Tác phẩm được viết trong hoàn cảnh đất nước bị chia cách hai miền Nam Bắc và tác giả dống trong vùng kiểm soát của Mỹ - ngụy, xa cách quê hương đất Bắc. Nhà văn đã gửi vào những trang sách nỗi niềm thương nhớ da diết về quê hương, gia đình và lòng mong mỏi đất nước được hòa bình, thống nhất. Những tình cảm ấy được thể hiện qua nỗi nhớ mọi cảnh sắc thiên nhiên, phố xá và cuộc sống hàng ngày của người Hà Nội. Những cảnh vật ấy mang vẻ đẹp riêng biệt và bản sắc văn hóa tinh tế, độc đáo của một vùng đất nước và cũng là của dân tộc.

Nhan đề Mùa xuân của tôi mà người biên soạn đặt cũng đã phần nào thể hiện được cảm xúc của Vũ Bằng. Với một người con xa quê, những gì thuộc về quê hương bỗng trở nên thân thuộc, gần gũi và là một kí ức của riêng mình. Nó trở thành tài sản tinh thần vô giá. Mùa xuân của đất Bắc, của Hà Nội thời khắc ấy trở thành mùa xuân của riêng Vũ Bằng. Bởi mùa xuân ấy sống động trong tâm trí của ông như những ngày ông còn ở quê nhà, trải qua mùa xuân cùng với gia đinh. Mùa xuân có ở các vùng có thể tương tự nhau về tiết trời, về cảnh vật nhưng chúng sẽ không thể nào giống nhau về cảm xúc. Bởi cảm xúc thuộc về lòng người. Mà có người nào cảm nhận giống người nào? Có người nào yêu quê giống người nào? Cảm xúc ấy, tình yêu ấy, kí ức ấy chỉ của riêng mỗi người. Và mùa xuân của đất Bắc cũng vì thế mà trở thành của riêng Vũ Bằng.

Mùa xuân của Vũ Bằng được gợi lên trước hết bởi tiết trời đặc trưng của những ngày đầu xuân ở đất Bắc. Đó là “mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa...”. Xuân đất Bắc được gợi về chỉ bằng vài nét vẽ với tiết trời và những âm thanh quen thuộc, mà chỉ như mơ hồ, lúc có lúc không. Chính sự mơ hồ ấy lại như khắc sâu trong tâm trí của người con xa quê một nỗi niềm thương nhớ. Mưa xuân ấy, chỉ Hà Nội mới có. Tiếng hát chèo, tiếng chim nhạn, chỉ Hà Nội mới nghe thấy. Trong cái thời khắc chuyển giao giữa cái lạnh ngắt của mùa đông sang cái ấm nồng của mùa xuân ấy, Vũ Bằng cũng nhận ra, con người cũng chẳng thể ngồi yên được, bởi nhựa sống “trong người căng lên nhe máu căng lên trong lộc của noài nai, như mầm non của cây cối...”. Sự rạo rực trong lòng người được ví với những sự vật tràn đầy sức sống, nhựa sống như căng ra, buộc chúng buộc lòng phải bung nở, phải trỗi dậy, phải bật ra một màu xanh non, biếc rời. Và với Vũ Bằng, càng nhớ tới mùa xuân, càng hồi tưởng lại quá khứ, sự rạo rực và nỗi khao khát được trở về quê hương lại trỗi dậy cũng mạnh mẽ như mầm non của cây phải trồi ra những cái lá nhỏ li ti vậy.

Mùa xuân của Vũ Bằng còn được hiện lên bởi giờ phút quây quần bên gia đình và những phong tục cổ truyền của dân tộc những ngày Tết. Ông nhớ “nhang trầm, đèn nến và nhất là không khí gia đình đoàn tụ êm đềm...làm cho lòng anh ấm áp lạ lùng, tuy miệng chẳng nói ra nhưng trong lòng thì cảm như có không biết bao nhiêu là hoa mới nở, bướm ra ràng mở hội liên hoan...”. Hàng loạt những hoạt động, những phong tục ngày Tết cổ truyền của dân tộc được gợi về chỉ trong một đoạn văn ngắn. Người ta như được sống trong cái không khí đầm ấm và thiêng liêng, trong mùi nhang trầm khiến lòng người náo nức. Không phải ngẫu nhiên, mùa xuân lại là mùa của Tết. Và cũng không phải tự nhiên, người ta lại mong mỏi ngày Tết đến vậy. Xuân tới cũng là lúc sự sống tràn về và lòng người náo nức, rạo rực. Tết cũng là ngày gia đình đoàn tụ, quây quần. Cả một năm dài bôn ba kiếm sống với những lo toan, gánh nặng đè trên vai, Tết là ngày những người đi xa về nhà, đầm ấm và vui vẻ. Càng gần tới tết, những đứa con xa quê lại càng háo hức được trở về. Quay trở lại với Vũ Bằng, ông viết bài này khi đang sống xa quê, trong vùng kiểm soát của Mỹ - ngụy nên nỗi nhớ ấy lại càng trở nên da diết, đau đáu trong lòng. Chưa lúc nào ông khao khát được trở về nhà đoàn tụ với gia đình đến thế. Cũng chưa bao giờ, mùa xuân đất Bắc lại hiện lên trong tâm trí ông rõ ràng đến thế. Càng nhớ nhà bao nhiêu thì niềm mong mỏi được trở về, khao khát đất nước được độc lập, tự do càng lớn bấy nhiêu. Phải là một con người yêu quê hương, đất nước tha thiết mới có thể viết được những dòng văn thấm đượm nỗi nhớ đến thế!

Mùa xuân của tôi không chỉ dựng nên được không khí đặc trưng của mùa xuân đất Bắc mà ẩn đằng sau từng câu chữ ấy là cả một trái tim yêu nước nồng nàn, một niềm mong mỏi, khát khao đến cháy bỏng đất nước được thống nhất và được trở về quê nhà của Vũ Bằng.

Câu 6

Chép lại hai câu tục ngữ mà em đã học hoặc sưu tầm được. Nêu lên ý nghĩa, giá trinh của kinh nghiệm mà những câu tục ngữ ấy thể hiện. Có thể chọn hai câu có nội dung liên quan với nhau để phân tích. (Lựa chọn hai câu: Uống nước nhớ nguồn và Ăn quả nhớ kẻ trồng cây)

Hướng dẫn giải

Kho tàng thành ngữ, tục ngữ dân gian Việt Nam là những bài học kinh nghiệm quý báu về tất cả mọi lĩnh vực trong đời sống sản xuất mà ông cha ta truyền lại cho con cháu. Đó là những câu nói ngắn gọn nhưng hàm chứa những triết lí sống sâu sắc. Đặc biệt, khi răn dạy con người về đạo đưa, lối sống, hai câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồnĂn quả nhớ kẻ trồng cây đã giúp tôi hiểu được nhiều điều trong cuộc sống.

Hai câu tục ngữ tuy có khác nhau về câu chữ song ý nghĩa của chúng lại giống nhau. “Nước” và “quả” là hình ảnh biểu trưng cho những thành quả lao động, thành công mà chúng ta được thừa hưởng hoặc đạt được trong cuộc đời. Còn “nguồn” và “kẻ trồng cây” chính là nguồn gốc của thành quả hay là những người đã tạo ra thành quả, những người đã giúp ta đạt được thành công của hiện tại. Hai câu tục ngữ là lời nhắc nhở mỗi con người cần phải sống có trước có sau hay là thái độ trân trọng thành quả lao động và biết ơn những người đã từng giúp đỡ ta. Lối sống ấy đã trở thành truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam hàng nghìn năm nay. Và đó là minh chứng cho tính đúng đắn của hai câu tục ngữ.

Thật vậy, Vua Hùng Vương là người đã dựng lên nước Văn Lang, là dấu mốc cho lịch sử của Việt Nam ta. Ngày nay, những người con xa quê, ăn đâu, làm đâu cũng quay về để cúi đầu nhớ ngàu giỗ Tổ của dân tộc:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”

Vì thế mà mỗi năm, đến ngày mùng mười tháng ba âm lịch, người dân lại nô nức kéo nhau về đền Hùng (Phú Thọ) nơi quê cha đất tổ để tưởng nhớ vị vua đã dựng nên đất nước này.

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đất nước ta đã phải đối mặt với không biết bao nhiêu kẻ thù xâm lược. Từ thời Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, các vua nhà Trần, đến thời chống Pháp, chống Mỹ, chống Nhật ông cha ta đã phải đổ biết bao nhiêu xương máu, mồ hôi, nước mắt để giữ vững được mảnh đất của tổ tiên, giữ vững được nền độc lập dân tộc. Ý chí của ta không hề bị mài mòn bởi đòn roi tra tấn, bởi những thử thách chông gai, mà nó chỉ được rèn luyện và nung nấu để trở nên cứng rắn hơn mà thôi. Để nhớ ơn những người anh hùng đã đánh đổi mạng sống  của mình lấy sự bình yên cho dân tộc, nhân dân ta đã lập đền thờ, những nghĩa trang liệt sĩ, ngày tưởng niệm để cả dân tộc cùng nhớ về những con người ấy. Giây phút thiêng liêng khi nhìn thấy những chiếc đèn lồng thả trên dòng sông Thạch Hãn - dòng sông giới tuyến mà ta quyết tranh giành với địch từng tấc đất thời chống Mĩ, không hiểu sao lòng tôi thấy xúc động vô cùng. Tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé trước những hi sinh lớn lao, cao cả của những con người ấy.

Cả nước đều đang hướng về những con người có công với cách mạng, bằng những ngôi nhà tình nghĩa xây cho các bà, các mẹ của những người chiến sĩ đã ngã xuống. Đó là những chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng. Đó là những ngày tri ân, tưởng nhớ. Và với học sinh, có một ngày để những đứa học trò nhỏ đã được thầy cô chắp cho đôi cánh ước mơ để bay cao, bay xa đến những vùng trời mới trở về để tri ân những người cha, người mẹ thứ hai của mình, là ngày 20-11, ngày Hiến chương của các nhà giáo.

Nhớ ơn Người mang lại cho mình cuộc sống ấm no hạnh phúc trở thành lẽ tự nhiên, trở thành nếp sống, nếp nghĩ và phẩm chất tốt đẹp của nhân dân ta. Đó cũng là một trong những đạo lí làm người của dân tộc Việt Nam. Đối với người học sinh thể hiện lòng biết ơn ông bà cha mẹ, thầy cô bằng hành động cụ thể chính là đang thực hiện đạo lí làm người ấy.

Câu 7: trang 137 sgk Ngữ Văn 7 tập hai

Nếu các luận điểm trong các bài nghị luận ở bài 20,21,23

Hướng dẫn giải

Luận điểm trong các bài: Tinh thần yêu nước của nhân dân ta (bài 20), Sự giàu đẹp của tiếng Việt (bài 21), Đức tính giản dị của Bác Hồ (bài 23) là

  • Bài 20 (Tinh thần yêu nước của nhân dân ta )
    • Tinh thần yêu nước là một truyền thống quý báu của nhân dân ta.
    • Tinh thần yêu nước qua lịch sử và trong hiện tại.
    • Nhiệm vụ phát huy tinh thần ấy.
  • Bài 21 (Sự giàu đẹp của tiếng Việt) : Tiếng Việt là một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay, đầy sức sống.
  • Bài 23 (Đức tính giản dị của Bác Hồ) :
    • Sự nhất quán giữa cuộc đời hoạt động cách mạng với cuộc sống thanh bạch của Bác.
    • Sự giản dị của Bác trong sinh hoạt, lối sống, làm việc.

Câu 8

 Dùng một vài dẫn chứng trong các tác phẩm đã học ở Ngữ văn 6 và Ngữ văn 7  để chứng minh ý kiến sau đây của Hoài Thanh: “Văn chương gây cho ta những tình cảm không có, luyện những tình cảm ta sẵn có”

Hướng dẫn giải

 Tình thương có lẽ là ý nghĩa đích thực của văn chương, đúng như Hoài Thanh đã khẳng định, nguồn gốc của văn chương là ở lòng thương con người mà rộng hơn ra là thương cả muôn loài, muôn vật. Chính vì mà ông cũng nhận ra rằngVăn chương gây cho ta những tình cảm không có, luyện những tình cảm ta sẵn có”.

Thật vậy, văn chương có đủ sức mạnh để thay đổi một con người. Bởi lẽ, văn chương thấm sâu vào nếp nghĩ và làm thay đổi suy nghĩ tư duy của con người. Điều quan trọng là văn chương gây ra cho ta những tình cảm không có. “Những tình cảm không có” ở đây ta có thể hiểu đó là những tình cảm không có sẵn trong tâm hồn con người mà chỉ có thể có được qua quá trình tiếp xúc, trải nghiệm và học tập mà thôi. Mới sinh ra, mỗi chúng ta chỉ có những cảm xúc đơn giản là vui, buồn, hờn, giận. Nhưng từng ấy cảm xúc sao có thể làm nên tâm hồn của một con người? Văn chương sẽ đem tới cho ta những cảm xúc mới. Đó có thể là sự cao thượng, là lòng hi sinh, là sự căm phẫn, là những bài học ứng xử trong cuộc sống. Từ đó làm cho tâm hồn con người trở nên phong phú, giàu có hơn. Khi đọc Ông lão đánh cá và con cá vàng, câu chuyện cổ tích của nước Nga, một đất nước xa xôi, hoàn toàn khác ta về lối sống về văn hóa, song ta vẫn cảm thấy yêu mến chú cá vàng vì lối sống ân nghĩa, thủy chung và cảm thấy căm phẫn về sự tham lam, độc ác, vô ơn của mụ vợ. Càng đọc, ta lại càng cảm thấy lòng tham của con người là một cái túi không đáy, và điều hiển nhiên của lòng tham ấy là con người phải trả một cái giá quá đắt, đánh mất hết mọi thứ mà mình có.

Đọc Bài học đường đời đầu tiên chúng ta làm sao có thể quên hình ảnh của một con Dế Mèn đẹp đẽ, khỏe mạnh nhưng lại kiêu căng, hống hách và hèn nhát? Sự kiêu căng, hống hách, tự cho mình là nhất của Dế Mèn đã gây ra cái chết thương tâm cho người hàng xóm của mình là Dế Choắt. Cũng nhờ thế mà Dế Mèn mới có được bài học đường đời đầu tiên, người đọc cũng nhận được cho mình một bài học, một cách ứng xử trong cuộc sống: sự kiêu căng, ngạo mạn sẽ chỉ mang tới cho ta nỗi đau đớn và hối hận mà thôi.

Văn chương còn luyện những tình cảm ta săn có. “Tình cảm sẵn có” là những tình cảm vốn dĩ đã tồn tại trong tâm hồn, suy nghĩ và kí ức của mỗi người. Nhưng có đôi khi, tình cảm ấy đã nằm trong tâm trí ta quá lâu đến nỗi nó nhăn nhúm, mốc meo. Văn chương đã giúp ta nhắc lại những cảm xúc ấy, gọi nó dậy để con người có thể khắc sâu hơn về những cảm xúc ấy một lần nữa. Mùa xuân của tôi của Vũ Bằng được viết bằng nét bút rất tinh tế, bằng cảm xúc chân thật và nỗi nhớ da diết trong trái tim của một người con xa quê. Chính vì thế mà từng câu, từng chữ như được viết ra từ trong tâm can người nghệ sĩ. Ta cũng chợt nhận ra rằng, mùa xuân đất Bắc đẹp đẽ như thế, đầy sức sống như thế, những gì thân thuộc bỗng trở về trong tâm trí, như khắc sâu hơn kí ức về mùa xuân, về không khí của ngày Tết đặc trưng của đất Bắc.

Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng và bất diệt sẵn có trong mỗi con người. Ngay từ khi sinh ra, ta đã được nuôi nấng bằng dòng sữa mẹ ngọt ngào, mát lành. Sự chăm sóc, che chở của mẹ chẳng bao giờ ta có thể quên đi. Nhưng khi đọc Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng, ta vẫn thấy trái tim mình thổn thức bởi tình cảm mà chú bé Hồng dành cho người mẹ của mình. Tình cảm ấy lớn đến nỗi, nó có thể vượt qua những định kiến xã hội, vượt qua cả những lời nói cay nghiệt, độc ác của bà cô để Hồng giữ mãi được tình yêu và sự kính trọng cho mẹ mình, một người đàn bà khốn khổ. Khi chứng kiến cảnh chú bé Hồng vội vã trèo lên xe, áp mặt ào bầu ngực ấm áp của mẹ, hít hà mùi hương tự nhiên từ mẹ, ta càng thêm trân trọng hơn thời khắc được ở bên cạnh mẹ, được mẹ yêu thương, chăm sóc.

Văn chương là tâm hồn và cũng là cuộc sống. Hai thứ ấy quện hòa quấn quýt vào nhau. Cuộc sống là chất liệu của văn chương còn văn chương thì làm đẹp lòng người. Nhưng để lòng người càng thêm yêu thêm đẹp thì văn chương trước hết cũng phải đẹp, phải hay. Nghĩa là nó phải yêu thương đích thực và phải là sản phẩm của những tâm hồn biết yêu thương.

Câu 9

Thế nào là nghệ thuật tương phản? Nêu cách thể hiện thủ pháp nghệ thuật ấy trong truyện Sống chết mặc bay và tác dụng của nó.

Hướng dẫn giải

  • Nghệ thuật tương phản đối lập là tạo ra những hành động, những cảnh tượng, những tính cách trái ngược nhau để qua đo làm nổi bật một ý tưởng, một bộ phận trong tác phẩm hoặc tư tưởng chính của tác giả.
  • Cách thể hiện thủ pháp nghệ thuật tương phản đối lập trong truyện Sống chết mặc bay: xem câu trả lời tại bài đã học
  • Tác dụng của thủ pháp tương phản đối lập:
    • Tố cáo sự vô trách nhiệm, tham lam, khốn nạn của bọn quan lại - những kẻ được xem như cha mẹ của nhân dân
    • Cảnh khốn cùng, tuyệt vọng của người dân trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên, khi chống chọi lại với bão lũ
    • Khắc sâu hơn cảnh tượng trái ngược: Dân đằm mình, bỏ mạc trong dòng nước lũ chảy siết khi đê vỡ >< Quan sung sướng vì thắng được ván bài to

Câu 10

Giải thích ý nghĩa sự im lặng của nhân vật Phan Bội Châu trong truyện Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu.

Hướng dẫn giải

  • Trong truyện ngắn Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu của Nguyễn Ái Quốc đã xây dựng nên hai nhân vật hoàn toàn đối lập nhau, cả về bình diện xã hội lẫn bình diện nhân cách. Một bên là tên toàn quyền Đông Dương và một bên là kẻ tử tù bị bắt giam đang chờ ngày xử lí. Một bên là kẻ hèn nhát, một bên là người anh hùng dân tộc. Khí thế mạnh mẽ, can trường của Phan Bội Châu được thể hiện thật độc đáo qua tác phẩm, qua chính sự im lặng của ông.
  • Nguyễn Ái Quốc đã xây dựng tình huống vô cùng độc đáo:
    • Va-ren đã có một chuyến đi tới Hà Nội để gặp Phan Bội Châu, mục đích là để đàm phán, thương thuyết với ông một sự kiện vô cùng trọng đại mà Va-ren nghĩ rằng, Phan Bội Châu sẽ vui vể đồng ý như nhiều người khác mà hắn đã từng thuyết phục
    • Trái ngược với mong đợi của Va-ren, suốt cuộc trò chuyện, chỉ có một mình hắn thao thao bất tuyệt còn đáp lại sự nhiệt tình của hắn là sự im lặng tuyệt đối của Phan Bội Châu.
  • Ý nghĩa của sự im lặng của Phan Bội Châu: Xem đáp án tại bài 3

Câu 11

Qua đoạn trích Nỗi oan hại chồng trong vở chèo Quan Âm Thị Kính, em hiểu thế nào về thành ngữ "Oan Thị Kính”?

Hướng dẫn giải

  • Thành ngữ là những cụm từ ngắn và cố định, thường không được cấu tạo thành một câu hoàn chỉnh vàkhông thể biến đổi hoặc thay thế bằng các từ ngữ, hình ảnh khác. Nghĩa của thành ngữ rất khác so với nghĩa từng từ cấu thành nên nó. Thành ngữ được lưu truyền trong dân gian và văn chương, bằng hình thức truyền miệng.
  • Thành ngữ "Oan Thị Kính" được hình thành bởi vở chèo Quan Âm Thị Kính về nỗi oan khiên của nàng Thị Kính: đầu tiên là nỗi oan về án giết chồng. Khi Thiện Sĩ ngồi đọc sách mệt, ngủ thiếp đi, Thị Kính ngồi khâu thấy sợi râu mọc ngược định cầm dao khâu xén đi. Ai ngờ, Thiện Sĩ tỉnh dậy hô hoán lên khiến Sùng Ông, Sùng Bà từ dưới nhà chạy lên rồi mặc cho nàng kêu oan, thanh minh, Sùng Bà vẫn đổ riệt cho nàng tội giết chồng rồi đuổi nàng về nhà bố đẻ. Nỗi oan thứ hai là nỗi oan về án hoang thai. Thị Kính sau khi bị đuổi ra khỏi nhà liền giả làm trai nương nhờ cửa phật, lấy hiệu là Kính Tâm. Thị Mầu là con gái phú ông, vốn tỉnh lẳng lơ nên thấy Kính Tâm liền ve vãn những không được. Thị Mầu về nhà trêu ghẹo rồi ăn nằm với anh Nô là người ở trong nhà rồi có thai. Khi làng bắt vạ, Thị Mầu đổ cho Kính Tâm. Kính Tâm bị đuổi ra khỏi chùa còn Thị Mầu thì mang con bỏ lại cho nàng. Trải qua ba năm, Kính Tâm đi xin sữa từng ngày nuôi con Thị Mầu. Rồi nàng được độ lên tòa sen, thành Phật bà Quan Âm. Trước khi hóa, Kính Tâm viết thư để lại cho đứa trẻ, bấy giờ mọi người mới biết nàng là con gái và nỗi oan khiên của nàng mới được hóa giải. Mọi người cũng nhận ra được tấm lòng từ bi, nhẫn nhục của nàng.
  • Như vậy, thành ngữ "Oan Thị Kính" là để chỉ những nỗi oan khuất cùng cực không thể giãi bày cũng không thể minh oan được với ai.

Có thể bạn quan tâm


Có thể bạn quan tâm