Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 11 tháng 2 2020 lúc 15:47:55


Mục lục
* * * * *
Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc

Câu 1

Những luận điểm chính của bài viết:

1. Phần mở bài: Tác giả khẳng định Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của dân tộc, sự nghiệp sáng tác của ông cần phải được đề cao hơn nữa nhất là mảng thơ văn yêu nước

2. Phần thân bài: Tác giả triển khai thành các luận điểm:

- Luận điểm 1: Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước, cần được sáng tỏ hơn nữa.

- Luận điểm 2: Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu phản ánh phong trào kháng Pháp bền bỉ của nhân dân Nam Bộ.

- Luận điểm 3: Lục Vân Tiên, một tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu, rất phổ biến trong dân gian, nhất là ở miền Nam.

3. Phần kết bài: Khẳng định tầm vóc lớn lao của nhân cách và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu.

Câu 2

a. Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu giống như “Những vì sao có ánh sáng khác thường” vì: ánh sáng đẹp nhưng lạ, ta chưa quen nhìn nên khó phát hiện ra vẻ đẹp ấy. Cái ánh sáng khác thường ở đây chính là vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, dân dã của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, vẻ đẹp của loại văn chương hướng về đại chúng gắn bó máu thịt với nhân dân, phục vụ cuộc sống của người dân, mang tính nhân dân sâu sắc.

b. “Con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn mới thấy” có nghĩa là phải dày công kiên trì nghiên cứu thì mới khám phá được.  Lâu nay chúng ta đã quen với văn chương trau chuốt, gọt giũa, lời lẽ hoa mỹ với hình tượng hùng vĩ, tráng lệ, phi thường…  điều đó là không thoả đáng và không đúng với hoàn cảnh sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu (mù loà), nên đã không thấy hết được những vẻ đẹp và đánh giá đúng về ông.

=> Cách nhìn của tác giả ở đây không chỉ mới mẻ, khoa học mà còn có ý nghĩa phương pháp luận trong sự điều chỉnh và định hướng cho việc tiếp cận nghiên cứu, nhà thơ như Nguyễn Đình Chiểu. Cách nhìn ấy đã định hướng cho bài viết có cái nhìn sâu sắc và thấy những giá trị bền vững về con người, sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu.

Câu 3

Tác giả đã đưa ra 3 luận điểm để giúp chúng ta nhận ra “ánh sáng khác thường” của ngôi sao sáng Nguyễn Đình Chiểu trên bầu trời văn nghệ Việt Nam.

a. Luận điểm 1:

* Luận điểm: “Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ yêu nước mà tác phẩm của ông là những trang bất hủ ca ngợi cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân chống bọn thực dân xâm lược phương Tây ngay buổi đầu chúng đặt chân lên đất nước ta”.

* Chứng minh:

- Nguyễn Đình Chiểu sinh ra trên đất Đồng Nai hào phóng. Triều đình nhà Nguyễn cam tâm bán nước, khắp nơi nổi dậy hưởng ứng chiếu Cần Vương.

- Nguyễn Đình Chiểu bị mù cả 2 mắt nhưng vẫn viết thơ văn phục vụ kháng chiến ngay từ buổi đầu.

- Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu còn ghi lại tâm hồn trong sáng và cao quý của ông cũng như thời kì lịch sử khổ nhục nhưng vĩ đại của dân tộc.

- Đất nước càng trong cơn nguy biến thì Nguyễn Đình Chiểu viết càng xúc động, có nhiều đóng góp tích cực, với ông, viết văn là để chống lại việc làm phi nghĩa:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà

=> Với ông, cầm bút viết văn là một thiên chức.

=> Luận điểm có tính khái quát cao, lí lẽ dẫn chứng phong phú.

b. Luận điểm 2:

* Luận điểm: “Thơ văn yêu nước Nguyễn Đình Chiểu lại sống trong tâm trí chúng ta phong trào kháng Pháp oanh liệt và bền bỉ của nhân dân Nam Bộ từ 1860 về sau, suốt hai mươi năm trời”.

* Chứng minh:

- Tái hiện thời đại đau thương nhưng anh dũng của dân tộc.

- Ông đồ Chiểu viết nhiều bài văn tế ca ngợi những anh hùng tận trung với nước (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc) và than khóc những liệt sĩ trọn đời với dân.

=> Văn phong lập luận rõ ràng mạch lạc giúp người đọc lĩnh hội và trân trọng, kính phục con người và thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu. Bài viết còn cho thấy tình cảm nồng hậu của Phạm Văn Đồng đối với Nguyễn Đình Chiểu, khiến bài viết giàu tính thuyết phục.

c. Luận điểm 3:

* Luận điểm: “Lục Vân Tiên là tác phẩm lớn phổ biến trong dân gian, nhất là ở miền Nam.”

* Chứng minh:

- Lục Vân Tiên ca ngợi chính nghĩa, đạo lí làm người, trung nghĩa:

Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời tiết hạnh làm câu răn mình

Hay:

Nhớ câu kiến ngãi bất vi

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.

(Lục Vân Tiên)

=> Ông ca ngợi những con người như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Hớn Minh, Tiểu đồng,…

- Lục Vân Tiên làm bằng thể thơ lục bát dễ nhớ, dễ thuộc, lại truyền tải những tư tưởng đạo lí mà nhân dân muốn kí thác, bởi vậy mà có sức sống lâu bền trong lòng độc giả.

- Tác giả bác bỏ ý kiến chưa hiểu đúng về truyện Lục Vân Tiên, đó là do “tam sao thất bản”.

Câu 4

Tác giả cho rằng ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu đáng ra phải sáng tỏ hơn nữa, vì:

- Có rất ít người biết tới thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, có một số người thậm chí còn chê văn thơ ông thô ráp, nôm na.

- Phẩm chất đạo đức và thành công nghệ thuật khẳng định Nguyễn Đình Chiểu xứng là lá cờ đầu của thơ ca chống Pháp

- Phải sáng tỏ hơn nữa trong thời hiện đại để khôi phục lại giá trị đích thực của thơ văn yêu nước.

Câu 5

Bài văn nghị luận của Phạm Văn Đồng không hề khô khan, trái lại, có sức hấp dẫn lôi cuốn. Vì:

- Cách làm nghị luận chỉ xác đáng, chặt chẽ, còn xúc động, thiết tha, với nhiều hình ảnh, ngôn ngữ đặc sắc khiến người đọc nhớ mãi.

- Kết hợp giữa hiện thực với thơ văn khiến bài viết mạch lạc, dễ hiểu, tác động và tạo ra sức thuyết phục lớn với người đọc.

- Cách nhìn mới mẻ, có giá trị phát hiện của tác giả lôi cuốn người đọc vào bài viết của mình.

→ Bằng cách nhìn, nghĩ sâu rộng, mới mẻ làm sáng tỏ mối quan hệ của tác phẩm văn chương với hiện trạng của đất nước lúc bấy giờ, tác giả ca ngợi Nguyễn Đình Chiểu một con người trọn đời dùng cây bút làm vũ khí chiến đấu.


Được cập nhật: hôm qua lúc 8:32:11 | Lượt xem: 367

Các bài học liên quan