Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Bài 31. Sơ lược bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học

I. Nguyên tắc sắp xếp các nguyên tố trong bảng tuần hoàn

- Bảng hệ thống tuần hoàn đã hoàn thiện được 118 nguyên tố, chúng được sắp xếp theo chiều tăng dần của số điện tích hạt nhân nguyên tử.

https://hoc24.vn/images/summary/bang-he-thong-tuan-hoan-hoa-hoc%20(2).jpg

II. Cấu tạo bảng tuần hoàn
1. Ô nguyên tố
- Bảng tuần hoàn có khoảng 118 ô, mỗi một nguyên tố được sắp xếp vào một ô gọi là ô nguyên tố.
- Ô nguyên tố cho biết:

         + Số hiệu nguyên tử (= số p= số e)

         + Kí hiệu hóa học

         + Tên nguyên tố

         + Nguyên tử khối của nguyên tố

         …..

Kết quả hình ảnh cho ô nguyên tố
2. Chu kì

- Chu kì là dãy các nguyên tố được sắp xếp theo hàng ngang. Chu kì gồm các nguyên tố mà nguyên tử của chúng có cùng số lớp electron và được xếp thành hàng theo chiều tăng dần điện tích hạt nhân.
- Số thứ tự của chu kì bằng số lớp electron trong nguyên tử của các nguyên tố nằm trong chu kì.

- Trong bảng tuần hoàn các nguyên tố gồm 7 chu kì. Trong đó 3 chu kì nhỏ (chu kì 1,2,3) và 4 chu kì lớn (chu kì 4,5,6,7).

https://hoc24.vn/images/summary/113.jpg

         Chu kì 2 trong bảng tuần hoàn

3. Nhóm
- Nhóm là dãy các nguyên tố được sắp xếp theo cột dọc

- Nhóm gồm các nguyên tố mà nguyên tử của chúng có số electron lớp ngoài cùng bằng nhau và được xếp thành cột theo chiều tăng dần của điện tích hạt nhân nguyên tử.
Số thứ tự của nhóm bằng số electron lớp ngoài cùng của nguyên tử của các nguyên tố trong nhóm.

III. Sự biến đổi tính chất của nguyên tố trong bảng tuần hoàn
1. Trong một chu kì
- Khi đi từ đầu chu kì đến cuối chu kì theo chiều tăng dần điện tích hạt nhân, ta có:
     + Số electron ngoài cùng của nguyên tử tăng dần từ 1 đến 8 (trừ chu kì 1)
     +Tính kim loại của nguyên tố giảm dần

     + Tính phi kim tăng dần.

Kết luận: đầu chu kì là kim loại mạnh (kim loại kiềm), cuối chu kì là phi kim mạnh (halogen: flo, clo..), kết thúc chu kì là khí hiếm.
Ví dụ 1: xét chu kì 2, đầu chu kì là kim loại mạnh liti (Li) cuối chu kì là phi kim mạnh flo (F), kết thúc chu kì là khí hiếm neon (Ne)

                    https://hoc24.vn/images/summary/113.jpg
2. Trong một nhóm
- Khi đi từ trên xuống theo chiều tăng điện tích hạt nhân, ta có:

      + Số lớp electron của nguyên tử tăng dần

      + Tính kim loại của các nguyên tố tăng dần

      + Tính phi kim giảm dần.

IV. Ý nghĩa của bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học
1. Biết vị trí của nguyên tử suy ra cấu tạo nguyên tử và tính chất của nguyên tố.
Ví dụ 2: Nguyên tố A có số thứ tự là 11 trong bảng hệ thống tuần hoàn. Hãy cho biết cấu tạo nguyên tử và tính chất của nguyên tố A?

                            Hướng dẫn giải:

Từ vị trí này ta biết:
  + Nguyên tố A có số hiệu nguyên tử là 11, đó là Na.
  + Điện tích hạt nhân của nguyên tử bằng 11+, số electron chuyển động xung quanh hạt nhân là 11e.
  + Nguyên tố A ở chu kì 3, do đó có 3 lớp electron.
  + Nguyên tố A ở nhóm I có 1e lớp vỏ ngoài cùng, nguyên tố A ở đầu chu kì nên có tính kim loại mạnh.

2. Biết cấu tạo nguyên tử suy ra vị trí và tính chất của nguyên tố.
Ví dụ: Nguyên tố B có điện tích hạt nhân bằng 19+, có 4 lớp electron, có 1e ở lớp ngoài cùng. Hãy cho biết vị trí của nguyên tố B và tính chất cơ bản của nó?

Giải:

Ta có:

 + Nguyên tố B có điện tích hạt nhân là 19+ nên B thuộc ô thứ 19

+ Nguyên tố B có 4 lớp e nên B thuộc chu kì IV.

+ Nguyên tố B có 1 e lớp ngoài cùng nên B thuộc nhóm I

=> Nguyên tố B là Kali (K). Nguyên tố B ở đầu chu kì nên có tính kim loại mạnh.

Ngoài ra, bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học là cơ sở khoa học quan trọng giúp ta có phương pháp học tập, nghiên cứu hóa học một cách có hệ thống

 

 

Bài tập

Có thể bạn quan tâm