Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Bài 8. Tồn tại xã hội và ý thức xã hội

BÀI 8: TỒN TẠI XÃ HỘI VÀ Ý THỨC XÃ HỘI

1. Tồn tại xã hội

- Khái niệm: Tồn tại xã hội là toàn bộ sinh hoạt vật chất và những điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội, bao gồm môi trường tự nhiên, dân số và phương thức sản xuất.

- Các yếu tố của tồn tại xã hội:

  • Môi trường tự nhiên
  • Dân số
  • Phương thức sản xuất

a. Môi trường tự nhiên

- Bao gồm những điều kiện địa lý tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên.

- Là điều kiện sinh sống tất yếu, thường xuyên của sự tồn tại và phát triển của xã hội, có ảnh hưởng quan trọng đến đời sống của con người và sự tiến bộ của xã hội.

b. Dân số

- Là điều kiện tất yếu và thường xuyên của sự tồn tại và phát triển của xã hội vì mỗi quốc gia, dân tộc đều cần có một số dân nhất định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Dân số và tốc độ phát triển dân số của mỗi nước có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển mọi mặt của nước đó.

c. Phương thức sản xuất (giữ vai trò quyết định trong tồn tại xã hội)

- Là cách thức con người làm ra của cải vật chất trong những giai đoạn nhất định của lịch sử, bao gồm lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.

- Lực lượng sản xuất: là sự thống nhất giữa tư liệu sản xuất và người sử dụng tư liệu ấy để sản xuất ra của cải vật chất.

  • Tư liệu sản xuất: gồm có tư liệu lao động và đối tượng lao động.
    • Tư liệu lao động: gồm công cụ lao động (quan trọng nhất, cách mạng nhất, biến động nhất) và phương tiện lao động.
    • Đối tượng lao động: gồm những bộ phận giới tự nhiên được đưa vào sản xuất.
  • Người lao động: giữ vai trò quan trọng nhất, quyết định nhất trong lực lượng sản xuất.

- Quan hệ sản xuất: là quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất của cải vật chất, bao gồm: quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất (quyết định các quan hệ khác), quan hệ trong tổ chức, quản lý, và quan hệ trong phân phối sản phẩm.

- Mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất:

  • Lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất.
  • Quan hệ sản xuất có sự tác động trở lại đối với lực lượng sản xuất.

2. Ý thức xã hội

a. Ý thức xã hội là gì?

- Là cái phản ánh tồn tại xã hội, bao gồm toàn bộ những quan niệm, quan điểm của các cá nhân trong xã hội, từ các hiện tượng tình cảm, tâm lý đến các quan điểm và các học thuyết về chính trị, pháp quyền, tôn giáo, đạo đức, nghệ thuật, khoa học, triết học…

b. Hai cấp độ của ý thức xã hội.

- Tâm lý xã hội là toàn bộ những tâm trạng, thói quen, tình cảm của con người, được hình thành một cách tự phát do ảnh hưởng trực tiếp của những điều kiện sinh sống hàng ngày, chưa được khái quát thành lý luận.

- Hệ tư tưởng là toàn bộ những quan niệm, quan điểm đã được hệ thống hóa thành lý luận, học thuyết về đạo đức, chính trị, pháp quyền…, được hình thành một cách tự giác do các nhà tư tưởng của những giai cấp nhất định xây dựng nên, luôn mang tính giai cấp.

=> So với tâm lý xã hội, hệ tư tưởng phản ánh tồn tại xã hội một cách sâu sắc hơn, nó có khả năng vạch ra bản chất của các mối quan hệ xã hội, quy luật vận động của xã hội.

3. Mối quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội

a. Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội

- Tồn tại xã hội là cái có trước, cái quyết định ý thức xã hội. Khi tồn tại xã hội (quan trọng nhất là phương thức sản xuất) thay đổi thì sớm hay muộn, ý thức xã hội cũng thay đổi theo, thay đổi về nội dung phản ánh của các hình thái ý thức xã hội.

b. Sự tác động trở lại của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội

- Những ý thức xã hội tiên tiến có thể phản ánh đúng đắn các quy luật khách quan, chỉ đạo con người trong hoạt động thực tiễn đạt kết quả cao, thúc đẩy tồn tại xã hội phát triển và hoàn thiện hơn.

- Những ý thức xã hội lạc hậu có tác động kìm hãm sự phát triển của tồn tại xã hội.

* Bài học

- Ủng hộ các ý thức xã hội đúng như: chính sách môi trường, dân số của Nhà nước.

- Phê phán những ý thức xã hội lạc hậu, lỗi thời như: trời sinh voi, sinh cỏ.

Bài tập

Có thể bạn quan tâm