Cộng đồng chia sẻ tri thức Lib24.vn

Bài 6: Lực - Hai lực cân bằng

Gửi bởi: Phạm Thọ Thái Dương 17 tháng 6 2020 lúc 9:34:55


Mục lục
* * * * *

1. Lực là gì?

- Khi vật này đẩy hoặc kéo vật kia, ta nói vật này tác dụng lực lên vật kia. Tác dụng đẩy hay kéo của vật này lên vật khác gọi là lực.

- Mỗi lực tác dụng đều được xác định bởi phương, chiều và độ lớn (hay còn gọi là cường độ) của lực.

2. Hai lực cân bằng

- Hai lực cân bằng là hai lực tác dụng lên cùng một vật, cùng phương (cùng nằm trên một đường thẳng), cùng độ lớn (cùng cường độ) nhưng ngược chiều.

- Nếu chỉ có hai lực tác dụng vào cùng một vật mà vật vẫn đứng yên thì hai lực đó là hai lực cân bằng.

Ví dụ: Khi hai đội kéo co mạnh ngang nhau, sợi dây đứng yên. Ta nói hai lực mà các đội kéo co tác dụng lên dây là hai lực cân bằng.

Phương pháp giải

1. Nhận biết lực,

- Nếu một vật bị thay đổi về hình dạng hoặc thay đổi về chuyển động thì vật đó đã chịu tác dụng của lực.

- Khi vật chịu tác dụng của một hay nhiều lực, ta cần phải biết lực nào là lực hút, lực đẩy, lực nâng, lực kéo hay lực ép…

2. Xác định phương và chiều của lực

Căn cứ vào sự nhận biết lực, vào những kết quả tác dụng của lực để ta xác định phương và chiều của lực tác dụng.

- Khi chịu tác dụng của một lực, nếu vật bị nén hay giãn theo phương và chiều nào thì thường lực đó cũng có phương và chiều đó.

- Khi chịu tác dụng của lực và vật bị biến đổi chuyển động (chuyển động nhanh dần, chậm dần hay đổi hướng…) thì tùy theo từng trường hợp cụ thể để ta xác định đúng phương và chiều của lực.

3. Cách xác định hai lực cân bằng

Hai lực cân bằng là hai lực phải có đủ 4 yếu tố:

- Hai lực phải tác dụng lên cùng một vật.

- Phương của hai lực phải cùng nằm trên một đường thẳng.

- Chiều của hai lực phải ngược nhau.

- Độ lớn của hai lực phải bằng nhau.

Nếu thiếu 1 trong 4 yếu tố đó thì chúng không phải là hai lực cân bằng.

Lưu ý:

      + Khi vật này tác dụng lực lên vật kia một lực thì đồng thời vật kia cũng tác dụng ngược lại lên vật này một lực (hai lực đó có cùng phương, cùng độ lớn và cũng ngược chiều nhưng tác dụng lên hai vật khác nhau nên hai lực này không phải là hai lực cân bằng).

      + Không phải cứ hai vật chạm vào nhau thì mới tác dụng lực lên nhau mà có thể có trường hợp chúng không hề chạm vào nhau nhưng vẫn tác dụng được với nhau chẳng hạn như nam châm hút sắt.


Được cập nhật: 23 giờ trước (3:09:06) | Lượt xem: 1010